Khủng hoảng tắc đường ở kênh đào Suez tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam?

29/03/2021 10:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Sự việc này cũng ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Ngày 23/3, tàu Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới - trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu đã bị mắc cạn khi di chuyển qua kênh đào Suez. Sự việc này khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.

Kênh đào Suez dài 190km, rộng 205m và sâu 24m, đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này.

Theo Politico dẫn các số liệu ước tính vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 400 triệu USD mỗi giờ. Các công ty vận tải toàn cầu đang bắt đầu chuyển hướng các tàu hàng khỏi kênh đào này. Sự việc này cũng ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

1. Hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần

Đối với Việt Nam, sự cố tắc nghẽn kênh Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Âu. Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp công tác giải phóng tàu Ever Given kéo dài, việc các tàu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.

Bộ Công Thương yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu là 7,5 tỷ USD và nhập khẩu là 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.

2. Giá container rỗng có khả năng tiếp tục tăng

Hơn 3 tháng gần đây, giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container/40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000-10.000 USD/container/40 feet.

Theo Bộ Công thương, liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Thêm vào đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. 

Khủng hoảng tắc đường ở kênh đào Suez tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam? - Ảnh 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết hiện chưa có số liệu nào nhưng sẽ có ảnh hưởng khá lớn tới tình hình xuất nhập hàng giữa châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên sự tắc nghẽn ở kênh đào Suez có thể tiếp tục dẫn tới giá cước vận chuyển còn tăng lên trong thời gian tới. Đây sẽ là điều rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tại châu Âu lại bùng phát và một số quốc gia đã hạn chế nhập khẩu.

Ngoài ra Hiệp hội Logistics lo ngại các doanh nghiệp Việt Nam đang chờ hàng nhập từ châu Âu về để giải "cơn khát" container rỗng, các hãng tàu có thể mượn cớ tắc nghẽn này để đẩy giá container rỗng.

3. Hàng đi Mỹ trễ ít nhất một tuần

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, đại diện một hãng tàu cho biết hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ bằng đường biển thì đi theo hai hành trình, trong đó với những tàu hàng xuất khẩu đi bờ đông tới các cảng như New York, Savannah, Charleston... thì đi đường qua kênh đào Suez. Tại Việt Nam, liên minh các hãng tàu đang có một tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ Cái Mép - Thị Vải sang các cảng bờ đông để vận chuyển hàng xuất khẩu, đó là tuyến TP17, tuyến này đang bị ảnh hưởng từ sự cố kênh Suez.

Cùng với chi phí tăng cao trước đó, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn ít nhất một tuần cũng khiến chuỗi cung ứng sản xuất của các nhà sản xuất bị đảo lộn.

Giám đốc kinh doanh một công ty logistics ở TP.HCM cho biết việc nhiều tàu phải đi đường vòng không chỉ khiến tốn thời gian, nhiên liệu mà các cảng tiếp nhận hàng cũng sẽ xảy ra tình trạng kẹt tàu, hàng phục vụ sản xuất cũng trễ lịch.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM