Khu vực ASEAN: Gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có
Tờ Jakarta Post mới đây dẫn lời chuyên gia kinh tế Anna Marrs - Giám đốc ngân hàng Standard Charterred Bank khu vực Đông Nam Á và Nam Á nhận định, trong vòng 3 thập kỷ vừa qua, nhiều nền kinh tế các nước ASEAN đã phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, làm gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có ở khu vực này.
Dù thời gian gần đây, trước những biến động về giá dầu mỏ, nhiều nền kinh tế lớn phát triển chậm lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN, tuy nhiên tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo năm 2017 ở khu vực.
Kinh tế 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng dự báo sẽ từ 5 - 7% trong năm nay. Indonesia và Philippines được cho là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2017 nhờ chiến lược xuất khẩu cũng như ưu tiên thị trường trong nước.
Tổng thương mại nội khối sẽ duy trì đà phát triển tốt, chiếm khoảng ¼ tổng giá trị thương mại của khối. Điều này có nghĩa là khu vực ASEAN, với sức mua đang tăng, vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đã đứng vững ở thị trường ASEAN, các doanh nghiệp khu vực ASEAN cần cân nhắc mở ra những sân chơi lớn hơn ở khác, như Nam Á.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi tháng khu vực Nam Á có khoảng 1 triệu người gia nhập vào lực lượng lao động. Đến năm 2030, ASEAN và Nam Á sẽ là khu vực tập trung của hơn 25% số người trong độ tuổi lao động của thế giới.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa Đông Nam Á và Nam Á đã tăng từ mức 4 tỷ USD vào năm 1990 lên 90 tỷ USD vào năm 2013.
Trong giai đoạn này, thị phần Đông Nam Á của khu vực Nam Á chỉ tăng nhẹ từ 11% lên đến 12% trong khi thị phần Nam Á của khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp đôi, lên 4%. Xu hướng này cho thấy có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển hơn nữa.
Trong bối cảnh xuất khẩu bị chậm lại và chi phí cho sản xuất gia tăng, việc mở rộng kinh doanh tại Nam Á sẽ là giải pháp khắc phục tình trạng này.
Hiện tại có rất nhiều tiềm năng hợp tác, kinh doanh giữa khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Các quốc gia Nam Á cũng đã đưa ra các chính sách thu hút đầu tư. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giới thiệu những chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư nước ngoài; Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cũng đang tích cực thực hiện việc cải cách hành chính, luật pháp theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại quốc gia này. Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh trong những năm gần đây cũng đang tích cực tạo dựng môi trường đầu tư trở nên cởi mở và mang tính cạnh tranh nhiều hơn.
Dự báo khu vực này có thể đóng vai trò là trung tâm gia công của thế giới nhờ chi phí nhân công rẻ. Mức lương tối thiểu của khu vực Nam Á thuộc loại thấp nhất thế giới, khoảng 150 USD/tháng ở Ấn Độ và 70 USD/tháng tại Bangladesh, Nepal và Sri Lanka.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với một lực lượng lao động dồi dào và giao tiếp bằng tiếng Anh. Các dòng vốn đầu tư đổ về Nam Á và Đông Nam Á cũng sẽ vẫn tiếp tục, nhờ đó duy trì đà tăng trưởng này.
Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp cả 2 khu vực Đông Nam Á và Nam Á phát triển trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có dấu hiệu gia tăng ở một số quốc gia.
Hợp tác kinh tế sẽ giúp cho các khu vực này có thể tăng cường kết nối, từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Phát triển mạng lưới giao thông vận tải cũng như cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp các quốc gia này thuận lợi hơn trong việc buôn bán, giao lưu, làm ăn với nhau.
Năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều biến chuyển về kinh tế thế giới cũng như của khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Đông Nam Á cũng như Nam Á để duy trì lợi nhuận của mình. Để duy trì và phát triển tốt hơn, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn rộng hơn, mạnh dạn mở rộng đầu tư kinh doanh tới các thị trường tiềm năng. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn đang có nhiều khó khăn.