Vì sao lệnh cấm nhập cư của tổng thống Donald Trump sẽ là tin vui cho một số nước châu Á?
Thời gian gần đây, câu chuyện cấm người nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu rằng lao động nhập cư lại đang là hàng hot ở Châu Á,châu lục vốn nổi tiếng về lao động giá rẻ.
Tại Thượng Hải, những công ty môi giới lao động thường được đặt trong các ngóc ngách, khó tìm bởi thứ hàng hóa mà những doanh nghiệp này cung cấp là bất hợp pháp nhưng lại đang có nhu cầu cao: lao động nhập cư.
Với đà tăng trưởng kinh tế thời gian qua, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng và nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, như người Philippines cho các công việc nhà cũng tăng theo. Theo các công ty môi giới, những người Philippines siêng năng sẽ làm theo đúng các chỉ dẫn mà bạn giao cho, không than vãn hay vòi vĩnh nhiều và chính điều này khiến họ trở nên nổi tiếng.
Lãnh sự quán Philippines tại Hồng Kông ước tính có khoảng 200.000 người Philippines lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. Hầu hết trong số họ giúp làm việc nhà cho tầng lớp trung lưu bản địa và thu nhập được khoảng 5.000 Nhân dân tệ (728 USD)/tháng, số tiền mà họ khó kiếm được nếu ở quê hương.
Cũng theo những đại lý cho thuê dịch vụ lao động nước ngoài trên, mặc dù các quy định luật pháp đã được ban hành nếu sử dụng lao động bất hợp pháp nhưng chúng hiếm khi được áp dụng triệt để ở Trung Quốc.
Rất nhiều trường hợp gia đình bị phát hiện có sử dụng lao động bất hợp pháp nhưng những người nước ngoài này chỉ bị gửi về nước còn người sử dụng lại không bị phạt. Ngay sau đó, một lao động nước ngoài khác sẽ được gửi đến làm việc thay cho người bị trục xuất. Chính vì lý do này mà rất nhiều người Trung Quốc vẫn chuộng sử dụng lao động nước ngoài cho việc nhà hơn là thuê người bản địa.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính việc Trung Quốc cần sử dụng nhiều lao động cho những trung tâm kinh tế, các nhà máy nên những lao động nước ngoài bất hợp pháp mới có cơ hội tìm được thị trường ở đây. Hiện tượng này phản ánh rõ ràng xu thế mới ở Châu Á khi các nước Nam Á và Đông Nam Á nghèo chịu khổ vì mức lương thấp cũng như thất nghiệp phải nhập cư bất hợp pháp sang các nước giàu hơn ở phương Bắc để tìm việc.
Theo lý thuyết, những nước giàu sẽ được lợi khi lực lượng lao động của họ có thể tập trung cho những công việc cần thiết hơn và để công việc nhà hoặc nặng nhọc lại cho người nước ngoài. Trong khi đó, các nước nghèo có lao động xuất khẩu sẽ được lợi nhờ nguồn kiều hối gửi về, đồng thời nhận được lực lượng lao động có tay nghề khi họ trở về nước.
Dẫu vậy, việc mở cửa thị trường lao động nhập cư tại Châu Á nhiều khi còn khó khăn hơn cả Mỹ dù khu vực này nổi tiếng với lao động giá rẻ. Hầu hết chính phủ các nước thực hiện chính sách cấm lao động nhập cư hơn là mở cửa và quản lý. Nguyên nhân chính là làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người bản địa, khi họ lo sợ mình sẽ mất việc làm vào lao động nước ngoài.
Bài toán lao động của chính các nước châu Á
Châu Á chiếm 50% dân số toàn cầu hiện nay và khu vực này chiếm tới 34% số người nhập cư sang nước khác trên toàn cầu. Dẫu vậy, chỉ có khoảng 17% số người nhập cư trên thế giới là đến Châu Á. Đặc biệt hơn, chỉ có khoảng 1/3 số người di cư Châu Á là lựa chọn một nước trong khu vực làm điểm đến.
Kỳ lạ hơn, dù chênh lệch về thu nhập và nhu cầu thị trường ở các nền kinh tế Châu Á là khác nhau nhưng hầu hết những người lao động bất hợp Pháp ở Châu Á lại ưa thích nhập cư vào những thị trường gần quê hương họ.
Ví dụ lao động Đông Á thường thích tìm các nước ở Đông Á, Nam Á tìm Nam Á... Nguyên nhân có lẽ là do tâm lý không muốn xa quê hương, gia đình, phụ hợp về văn hóa cũng như thuận tiện cho việc chuyển tiền, về thăm nhà và nhiều yếu tố khác.
Tại Thái Lan, thị trường của hơn 5 triệu người lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia hay Lào, rất nhiều lao động nhập cư trong số này là bất hợp pháp, đặc biệt là trong các ngành xây dựng, dịch vụ.
Cách đây 3 năm, một tin đồn về chiến dịch bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp đã khiến 200.000 lao động Campuchia bỏ chạy về nước, khiến ngành xây dựng cùng nhiều thành phần kinh tế khác thiếu lao động nghiêm trọng.
Ngay lập tức, chính phủ Thái Lan đã phải ban hành một quy định mới, cho phép những người lao động nước ngoài có thể làm việc hợp pháp tạm thời ở đây. Tuy vậy, những người nhập cư bất hợp pháp chẳng quan tâm mấy vì họ cho rằng thủ tục trên quá mất thời gian cũng như đắt đỏ. Hậu quả là hàng triệu người lao động bất hợp pháp vẫn ở lại Thái Lan.
Một ví dụ khác là Trung Quốc. Quốc gia này đã từng đáp ứng thị trường lao động bằng cách tuyển hàng loạt thanh thiếu niên từ nông thôn lên thành thị. Trong vòng 30 năm qua, khoảng 150 triệu người Trung Quốc đã rời quê hương để làm tại các nhà máy, nhà hàng hay các hộ gia đình trung lưu. Mặc dù vậy, tình trạng lão hóa dân số cùng với việc lao động nông thôn chán việc trở về quê hương đang khiến nhu cầu lao động nước ngoài ngày một tăng cao.
Trước đây, Trung Quốc vốn nổi tiếng là nơi xuất khẩu nhiều lao động cho thế giới nhưng tình hình hiện nay đang thay đổi nhanh chóng. Trong vòng 30 năm tới, khoảng 180 triệu lao động Trung Quốc sẽ bị loại khỏi thị trường do tuổi già sức yếu. Việc chính quyền Bắc Kinh sẽ làm gì để đối phó với tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động nhập cư ở Châu Á.
Nhiều nhà máy ở Trung Quốc có thể lựa chọn dời địa điểm sản xuất hoặc đầu tư cho tự động hóa, nhưng nhiều ngành khác lại không có được những lựa chọn như vậy ngoài tuyển thêm lao động nhập cư. Tổ chức ILO ước tính Trung Quốc sẽ cần thêm khoảng 20 triệu lao động trong thời gian tới khi dân số của nước này bắt đầu lão hóa.
Bên cạnh đó, xu thế thiếu lao động không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc mà còn là thực trạng chung ở Châu Á. Để đảm bảo tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ổn định, đặc biệt là ở các nền kinh tế phụ thuộc lao động dồi dào thì Tây Á cần 275 triệu người nhập cư trong khoảng 15-64 tuổi từ nay đến năm 2030.
Tương tự, Đông Nam Á cũng cần 6 triệu lao động nhập cư dù nhu cầu của các nước là khác nhau. Trong khi Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan cần nhiều người nhập cư thì Myanmar, Indonesia và Philippines lại không cần lắm.
Riêng khu vực Nam Á có thể mất đến 134 triệu lao động do tuổi già hay xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt Ấn Độ có thể mất 80 triệu lao động trong nước.
Chính phủ Trung Quốc dự đoán nước này sẽ thiếu khoảng 24% người trong độ tuổi lao động vào năm 2030 để có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, trong khi đó tỷ lệ này là dư thừa 18% tại Bangladesh.
Riêng tại những nước như Singapore, việc nhận lao động nhập cư đã trở thành chuyện thường khi có đến 40% lao động ở đây là người nước ngoài.
Nhu cầu sử dụng lao động nhập cư và những nước xuất khẩu nhiều lao động ở Châu Á (% tổng dân số trong độ tuổi lao động)
Đã đến lúc mở cửa cho người nhập cư?
Hiện nhiều nước tại Châu Á đã bắt đầu có chính sách mới nhằm thu hút lao động nhập cư trước tình hình lão hóa dân số và tương lai thiếu hụt lao động. Năm 2003, Hàn Quốc đã ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể thuê lao động nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định.
Với chính sách này, khoảng 962.000 lao động nước ngoài, chiếm 3,5% tổng lực lượng lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Tại Nhật Bản, quốc gia này rất ưa thích việc xuất khẩu tài chính để nhập khẩu lao động. Hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia Nhật xây nhà máy trên khắp Đông Nam Á, đưa nhà máy đến cho người lao động. Dẫu vậy, mô hình này có nhược điểm là không thể đem bệnh viện hay một số ngành dịch vụ sang cho người lao động được. Thêm vào đó, một quản lý người Nhật có thể sang điều hành nhà máy xây ô tô ở Việt Nam nhưng không thể đem cha mẹ của họ cũng sang cùng để chăm sóc.
Bởi vậy, thời gian này Nhật Bản cũng đang tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Trong khi đó, Hồng Kông lại đã thúc đẩy thu hút lao động nước ngoài từ sớm do thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành y tá, giúp việc. Năm 1974, Hồng Kông bàn hành quy định khuyến khích nhập khẩu lao động nước ngoài và đến năm 2015, thị trường này đã có hơn 340.000 người lao động nhập cư, tương đương mỗi 7,3 gia đình Hồng Kông có một người giúp việc.
Tính đến giữa thập niên 2000, hơn 50% số cặp vợ chồng có trình độ ở Hồng Kông có thuê người giúp việc nước ngoài. Theo chính quyền nơi đây, những người giúp việc nước ngoài giúp rất nhiều bà mẹ giải phóng khỏi việc nhà, tăng cường nhân lực kỹ thuật cao cho xã hội. Thêm vào đó, việc có người giúp việc giá rẻ nước ngoài khiến tỷ lệ sinh ở Hồng Kông tăng lên.
Rõ ràng, lao động nhập cư giúp ích được rất nhiều cho kinh tế Châu Á, nhưng có lẽ những người nước ngoài này vẫn chưa được chính quyền các nước tận dụng hết.
Toàn cảnh buổi lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ Donald Trump