Học thuyết cho thấy chẳng cần quân đội hùng mạnh, chỉ cần có 100 cửa hàng McDonald's, sẽ không một quốc gia nào muốn gây chiến với bạn

21/02/2017 09:41 AM | Xã hội

Một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... là điều khó xảy ra khi lợi ích thương mại hiện đã quá lớn.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái gây căng thẳng với một số nước, thậm chí là những quốc gia đồng minh lâu năm với Mỹ đang khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh cục bộ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà báo người Mỹ Thomas Friedman, người từng đoạt giải Pulitzer danh giá với cuốn sách nổi tiếng toàn cầu “Thế giới phẳng” (The World is Flat) lại không đồng ý với quan điểm này.

Trong quyển “The Lexus and the Olive Tree” xuất bản năm 1999, Thomas Friedman đã đưa ra một giả thuyết gọi là "Golden Arches Theory of Conflict Prevention". Cụ thể, ông Friedman cho rằng 2 quốc gia cùng có sự hiện diện của chuỗi cửa hàng McDonald's sẽ không gây chiến với nhau.

Vậy luận điểm thực sự của thuyết này là gì và có chính xác không?

Không gây chiến vì đã có “McDonald’s”

Theo Friedman, một quốc gia đến giai đoạn phát triển mà tầng lớp trung lưu có vai trò cũng như sức mạnh to lớn trong xã hội, đủ để chống đỡ cho hàng loạt hệ thống cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s tồn tại thì khi đó nền kinh tế của nước này mới được gọi là phát triển. Lúc đó, quốc gia này có thể được gọi là “Quốc gia McDonald” và họ sẽ không có hứng thú đi gây chiến để tự làm tổn hại mình.

Luận điểm của Friedman nằm ở chỗ chính xu thế toàn cầu hóa sẽ gắn kết các nền kinh tế lại với nhau và họ sẽ mất nhiều hơn được nếu gây chiến với nhau. Nói cách khác, nếu 2 nước đã có trình độ kinh tế phát triển nhất định, người dân có cuộc sống khá tốt và thương mại giữa 2 quốc gia chặt chẽ, đủ để những chuỗi cửa hàng như McDonald đặt chi nhánh thì họ sẽ không mạo hiểm gây chiến.

Học thuyết cho thấy chẳng cần quân đội hùng mạnh, chỉ cần có 100 cửa hàng McDonalds, sẽ không một quốc gia nào muốn gây chiến với bạn - Ảnh 1.

Quan điểm này của Friedman thời đó khá mới mẻ khi xu thế toàn cầu hóa mới manh nha. Nhà báo này cho rằng thời kỳ các nước xâm chiếm nhau để gia tăng lợi ích đã qua khi hiện nay giao dịch thương mại giữa các nước tạo nên những mối liên kết chặt chẽ, đan xen lợi ích lẫn nhau.

Chính vì vậy, việc gây chiến giữa 2 đối tác thương mại là điều khó xảy ra hơn trước khi lợi ích của chiến tranh không bù đắp được cho sự thua thiệt về kinh tế cũng như hạ thấp tiêu chuẩn sống của người dân.

Mặc dù vậy, quan điểm của Friedman bị lung lay dữ dội ngay sau khi cuốn sách về thuyết McDonald của ông được xuất bản. Nguyên nhân chính là việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh bom Belgrade trong cuộc chiến vùng Balkan bất chấp cả 2 nền kinh tế đều có cửa hàng McDonald.

Khi đó, nhà báo Friedman cho rằng đây thực ra là minh chứng cho học thuyết của ông khi cuộc chiến trên kết thúc vô cùng nhanh chóng.

“Khi NATO cắt điện của vùng Belgrade và hạn chế hệ thống năng lượng cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của vùng, những người dân nơi đây bắt đầu kêu gọi kết thúc cuộc chiến. Chuyện này rất đơn giản, người dân Belgrade muốn trở thành một phần của thế giới hơn là muốn Kosovo trở thành một phần thế giới (Kosovo muốn độc lập là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến vùng Balkan cuối thập niên 90). Họ muốn những cửa hàng McDonald được mở lại hơn là muốn Kosovo được giải phóng”, ông Friedman nhận định.

Sau này, ông Friedman phát triển thuyết McDonald của mình lên thành thuyết “Dell Theory of Conflict Prevention” và được xuất bản trong cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng”, qua đó đề cập đến xu thế ảnh hưởng to lớn của quá trình toàn cầu hóa. Theo đó, 2 quốc gia đều thuộc một chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu, ví dụ như Dell, sẽ không bao giờ gây chiến với nhau.

Nói đơn giản, nếu những tập đoàn lớn như Dell có chuỗi sản xuất đặt tại nhiều nước thay vì có nhà máy tại nước bản địa thì những nước ngoài được đặt nhà máy này sẽ không bao giờ gây chiến với nhau vì điều đó khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và họ sẽ thiệt hại về mặt kinh tế nhiều hơn.

Nhằm củng cố lý thuyết này, ông Friedman dẫn chứng cuộc xung đột giữa 2 nước có vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan, đồng thời là đối tác thương mại cũng như nằm trong chuỗi cung ứng của rất nhiều tập đoàn đã kết thúc nhanh chóng vì lợi ích của cả đôi bên.

Vào năm 2000, chính bản thân ông Friedman cũng phải thừa nhận rằng học thuyết của mình bị nhiều người chỉ trích. Tuy nhiên, nhà báo đạt giải thưởng Pulitzer này cho rằng mọi người quá quan tâm đến chuyện đúng sai của một giả thuyết mà quên đi bản chất ý tưởng ông đề ra trong đó.

Học thuyết cho thấy chẳng cần quân đội hùng mạnh, chỉ cần có 100 cửa hàng McDonalds, sẽ không một quốc gia nào muốn gây chiến với bạn - Ảnh 2.

Theo đó, chính quá trình toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng đến các chính sách chính trị, ngoại giao, quân sự của nhiều nước trên thế giới. Việc sử dụng McDonald, hay Dell chỉ là cách nói ẩn dụ và việc sử dụng những ví dụ thực tế là không hoàn toàn chính xác khi các cuộc chiến đôi khi diễn ra bởi nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì vì lợi ích kinh tế.

Mặc dù việc có hay không McDonald không phải là minh chứng chắc chắn cho việc có chiến tranh giữa 2 nước hay không nhưng đó có thể là một dấu hiệu cho việc bình thường hóa quan hệ. Hãy tưởng tượng Bắc Triều Tiên có cửa hàng ăn nhanh McDonald hay có một nhà máy sản xuất của Dell, điều này không chứng mình Bắc Triều Tiên sẽ làm hòa với Mỹ nhưng là một tín hiệu tốt cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Bắc Triều.

Như vậy, theo luận điểm này, một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... là điều khó xảy ra khi lợi ích thương mại hiện đã quá lớn.

Sự suy thoái của quá trình toàn cầu hóa?

Tuy nhiên, học thuyết của Friedman đang lung lay dữ dội sau hàng loạt những sự kiện thời gian gần đây. Từ việc Anh quyết định tời Liên minh Châu Âu (EU) đến chuyện bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và trở về Nga. Tiếp đó là cuộc xung đột căng thẳng giữa Nga với Phương Tây quanh vấn đề Ukraine, rồi mới đây nhất là chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử.

Trên thực tế, thuyết McDonald hay Dell của Friedman đều có luận điểm chung là quá trình toàn cầu hóa sẽ ngày càng phát triển, qua đó ảnh hưởng đến quyết định của nhiều nước. Dẫu vậy, chủ nghĩa bảo hộ thời gian gần đây lại phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy tại Anh, Mỹ và hàng loạt các nước Phương Tây.

Trong khi đó, dù cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có cửa hàng McDonald nhưng quan hệ giữa 2 nước lại xấu đi trông thấy bởi những vấn đề xung đột địa chính trị.

Học thuyết cho thấy chẳng cần quân đội hùng mạnh, chỉ cần có 100 cửa hàng McDonalds, sẽ không một quốc gia nào muốn gây chiến với bạn - Ảnh 3.

Ông Thomas Friedman

Rõ ràng, quan điểm của ông Friedman có luận điểm của riêng mình nhưng chúng chưa thực sự thuyết phục được các chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Sau vài thập niên phát triển, nhiều người dân các nước Phương Tây đã chán toàn cầu hòa khi họ bị mất việc làm, chủ nghĩa khủng bố leo thang cùng với nền kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng.

Hậu quả là những chính trị gia có xu hướng độc quyền, cứng rắn như Tổng thống Trump thắng cử trong sự ngỡ ngàng của các chuyên gia kinh tế.

Thêm vào đó, việc bao gồm quá nhiều điều kiện khiến học thuyết này chỉ mang tính lý thuyết và ý tưởng hơn là có thể áp dụng vào thực tế. Một cuộc chiến tranh có thể xảy ra vì bất cứ lý do gì, vì tôn giáo hay tranh chấp lãnh thổ, vì tài nguyên thiên nhiên hay đơn giản là xung đột sắc tộc. Việc sử dụng các chuỗi McDonald hay luận điểm toàn cầu hóa chỉ có thể giải thích phần nào cho việc hạn chế chiến tranh giữa các nước phát triển nhưng chưa thể làm hài lòng được các chuyên gia kinh tế trên thế giới.

Cửa hàng McDonald's

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM