GS ĐHKTQD: "Kinh tế Việt Nam như một dòng sông mà nước vẫn đang tắc ở hạ nguồn"

28/03/2017 10:17 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo vị Giáo sư Đại Học Kinh tế Quốc Dân công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, "nếu vì nền kinh tế như một dòng sông có thượng nguồn, hạ nguồn, trung nguồn thì hiện nay nước vẫn đang bị ngập ở hạ nguồn". Đồng thời, "kinh tế Việt Nam cũng giống như một đoàn tàu đang chạy nghiêng, với tốc độ đang bị chậm đi"

Hôm ngày 16/3, trường Đại Học Kinh tế Quốc Dân đã công bố thành quả nghiên cứu hàng năm của mình là Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, với nội dung đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng năm 2017.

Trong bài trình bày của mình. Giáo sư Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi - người đại diện cho trường Đại Học Kinh tế Quốc Dân đứng ra công bố báo cáo - đã tập trung nhấn mạnh vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đi kèm với đó là sự cần thiết của việc đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lợi, đây là 2 nhiệm vụ xuyên suốt, có vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế nước ta giai đoạn từ nay đến 2020. Đặc biệt, năm 2016 vừa qua được coi là một năm nền tảng để thực hiện các nhiệm vụ này.

Phân tích ở phần đổi mới mô hình tăng trưởng, Giáo sư Lợi đưa ra 3 đặc trưng, đồng thời cũng là 3 hạn chế của cái cách mà nền kinh tế nước ta đang đi lên.

Dù có những số liệu tích cực đã được công bố cuối năm vừa qua, tuy nhiên dường như, những đặc điểm cố hữu trong kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại.

- Thứ nhất, đứng trên góc độ cấu trúc đầu vào, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư.

Theo ông Lợi, đúng là có sự dịch chuyển tăng trưởng ra khỏi bị phụ thuộc vào đầu tư trong những năm qua. Tuy nhiên, tốc độ chuyển này vẫn rất chậm. Hiện nay, tăng trưởng nhờ đầu tư vẫn chiếm khoảng từ 55- 57% tăng trưởng toàn nền kinh tế.

- Thứ hai, xét theo ngành, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng nhờ vào gia công, tính cả trong ngành nông nghiệp.

Tiến sĩ Lợi nói: "Nếu vì nền kinh tế chúng ta như một dòng sông có thượng nguồn, hạ nguồn, trung nguồn thì hiện nay nước vẫn đang bị ngập ở hạ nguồn"

"Hạ nguồn" ở đây chính là những khu vực kinh tế tạo ra giá trị gia tăng thấp. Theo vị Tiến sĩ, nếu nguồn lực cứ "tắc" ở "hạ nguồn" như thế này thì không sao tạo ra động lực lan tỏa cho cả nền kinh tế được. Cái cần hiện nay chính là "phải đẩy nước lên phía trung nguồn và thượng nguồn"

"Theo chúng tôi, tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới cần hướng đến việc đẩy nguồn lực lên trung nguồn. Ngành cần tập trung chính là công nghiệp với ngành chế tạo" - Giáo sư Ngô Thắng Lợi nói.

- Thứ ba, xét theo thành phần kinh tế thì xuất khẩu và tăng trưởng Việt Nam vẫn dựa nhiều vào các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân thì vẫn rất yếu kém, vẫn chưa thể vươn lên. Doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.

Ví von cho việc nền kinh tế tăng trưởng bị lệch, không nhờ vào nội lực, ông Lợi cho rằng nếu ví cả nền kinh tế Việt Nam giống như một đoàn tàu thì đoàn tàu chúng ta đang bị chạy nghiêng, và với tốc độ chậm hơn.

"Trước kia thì là một đoàn tàu chạy với tốc độ nhanh nhưng mà nghiêng, nay vẫn nghiêng nhưng chậm hơn. Tốc độ chậm hơn nhưng tỏ ra an toàn hơn, tuy nhiên sự nghiêng thì vẫn còn đó" - vị Giáo sư Đại Học Kinh tế Quốc Dân nói.

Sau phần này, ông cũng đồng thời đưa ra một dẫn chứng về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam. Nhìn tự hệ số ICOR, có thể thấy việc chuyển từ đầu tư sang tài sản tích lũy tại Việt Nam vẫn đang rất thấp. Điều đó thể hiện sự đầu tư của chúng ta có hiệu quả không cao.

So sánh hệ số này với các nước trong thời kỳ tăng trưởng nhanh như Việt Nam hiện nay, cũng có thể suy ra rằng hiệu quả đầu tư tại Việt Nam đang ở mức thấp hơn.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM