Không phải chiến tranh hạt nhân, đây mới là nguy cơ bất ổn khiến chính phủ nhiều nước lo ngại
Trung Quốc, đất nước có diện tích gần 9,6 tỷ km2 này lại đứng thứ 2 thế giới về top 10 nước có nhiều người nghèo đói nhất theo báo cáo Hunger Report năm 2015.
Thị trường lương thực, hàng hóa là một trong những thị trường sôi động nhất trên thế giới. Nhìn vào những giao dịch này cùng các báo cáo của nhiều nước, rất nhiều chuyên gia phải đồng ý rằng hiện sản lượng lương thực trên thế giới đủ để mọi người dân sử dụng.
Trớ trêu thay, rất nhiều người trên thế giới vẫn phải lâm vào tình trạng đói nghèo. Tháng 2/2017, báo cáo của Liên hợp quốc (UN) cho thấy đã có hơn 20 triệu người sắp lâm vào tình trạng chết đói tại Somalia, Nam Sudan, Nigeria và Yemen tính đến tháng 7/2016. Thậm chí Nam Sudan đã phải tuyên bố tình trạng lâm vào khủng hoảng đói ăn do cuộc nội chiến ở quốc gia này.
Xem thêm:
Để thoát khỏi cảnh 'đói ăn', Nhật Bản mở rộng hạn điền bằng mô hình đặc biệt này
Bạn tưởng người Nhật sướng ư? Họ đang phải đối mặt rủi ro "đói ăn" đấy
Dẫu vậy, việc chống lại nạn đói chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề lớn hơn là an ninh lương thực. Đây là một vấn đề phức tạp khi liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ dịch bệnh ảnh hưởng đến trồng trọt, thay đổi thời tiết khí hậu cho đến những vấn đề bảo hộ thương mại nông sản.
Tuy nhiên, một thức tế không thể chối cãi là nhu cầu lương thực sẽ tiếp tục tăng lên khi dân số toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2020.
Đây là lý do chính khiến chính phủ nhiều nước, các tập đoàn và những công ty khởi nghiệp tìm kiếm công nghệ mới, nguồn vốn đầu tư mới để đối phó với thực trạng này.
Hỗ trợ từ chính phủ
Theo bảng xếp hạng Global Food Security Index năm 2016 (chỉ số EIU Index), Singapore là quốc gia chỉ có diện tích 719,1 km2, thậm chí thấp hơn mức 3.329 km2 của thủ đô Hà Nội nhưng lại đứng thứ 3 thế giới về an ninh lương thực sau Mỹ và Ireland.
Đây thực sự là một thành tích ấn tượng khi quốc gia nhỏ bé này còn đứng cao hơn cả các nước láng giềng có diện tích lớn, xuất khẩu nhiều lương thực như Thái Lan hay Malaysia.
Bí quyết để quốc gia này đạt thành tích cao như vậy cũng như vượt mặt nhiều nước khác là không tập trung tự cung tự cấp bởi họ hiểu rõ mình không có đủ nguồn lực. Lộ trình an ninh lương thực của Singapore công bố vào năm 2013 cho thấy nước này chú ý đến các công nghệ cách mạng về lương thực và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để giải quyết vấn đề thiếu ăn.
Ngoài ra, bảng xếp hạng EIU Index còn cho thấy mức thuế hàng nông sản của Singapore vào khoảng 1,1% thuộc hàng thấp nhất thế giới, qua đó cho thấy định hướng đảm bảo an ninh lương thực của nước này.
Hơn nữa, chính phủ Singapore cũng hỗ trợ nông dân địa phương qua các chương trình tài trợ nhằm tăng năng suất, đồng thời xây dựng các khu công nghệ nông nghiệp nhằm hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho các khu trang trại.
Quay trở lại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, đất nước có diện tích gần 9,6 tỷ km2 này lại đứng thứ 2 thế giới về top 10 nước có nhiều người nghèo đói nhất theo báo cáo Hunger Report năm 2015.
Nghe thật trớ trêu nhưng dù Trung Quốc đang chuyển mình từ chú trọng nhập khẩu, công nghiệp kỹ thuật thấp sang ngành dịch vụ và công nghệ cao nhưng quốc gia này vẫn gặp rủi ro lớn về an ninh lương thực, hay nói đơn giản là nguy cơ đói ăn của người dân vẫn cao.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến chính quyền Bắc Kinh thực hiện hàng loạt những cải cách trong ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực lâu dài. Trung Quốc hiện đã áp dụng các chính sách thuế mới với phân bón và thuốc trừ sâu cũng như khuyến khích nông dân trồng trọt bền vững nhằm tránh tình trạng ô nhiễm đất đai, nguồn nước và gây ảnh hưởng trong dài hạn.
Trung Quốc cũng đang tích cực mua lại các công ty nông nghiệp, sinh học nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhu cầu lương thực của hơn 1,3 tỷ dân. Từ việc mua lại nông trại sữa lớn nhất Australia cho đến nhà sản xuất thịt lớn nhất New Zealand, rồi việc sáp nhập hãng chuyên về nông sản biến đổi gen Syngenta... hàng loạt các động thái cho thấy Trung Quốc lo ngại vấn đề an ninh lương thực của quốc gia mình.
Năm 2016, một trong những ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc là Ngân hàng phát triển nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) đã tuyên bố đầu tư 450 tỷ USD từ nay đến năm 2020 nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà.
Một nền kinh tế phát triển không kém khác là Nhật Bản cũng đang phải đối mặt rủi ro an ninh lương thực không kém khi nước này chỉ có thể tự cung tự cấp được 39% lương thực trong nước và phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ nông nghiệp cùng nhiều hàng rào thuế quan đã khiến Nhật Bản phải lao đao khi thiên tai xảy ra, làm ảnh hưởng năng suất trồng trọt, chăn nuôi.
Gần đây, chính quyền Tokyo đã phải nới lỏng quy định đầu tư vào nông nghiệp cho các công ty, thực hiện mô hình ngân hàng đất cũng như mở rộng hạn điền nhằm đối phó nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng cao.
Thay đổi thói quen nông nghiệp và dỡ bỏ rào cản thương mại
Theo các chuyên gia, ngoài rủi ro đói ăn thì nguy cơ thiếu dinh dưỡng khi chất lượng lương thực của người dân không đáp ứng được tiêu chuẩn cũng là điều đáng quan tâm. Một báo cáo năm 2015 tại Singapore cho thấy chất lương các bữa ăn cho công nhân nhập cư tại đây rất tệ và chính điều này đã giúp Jack Sim thành lập startup 45Rice, qua đó trộn gạo chất lượng cao với gạo thường để bán cho các nhà cung cấp thực phẩm với giá hợp lý.
Riêng trong năm 2016, startup này đã bán cho hơn 200.000 bữa ăn của công nhân nước ngoài tại Singapore và thậm chí thành lập cả ứng dụng chuyên nhận giao gạo cho các công trường.
Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng của chính phủ và các doanh nghiệp, chính những trang trại mới là xương sống để có thể cải cách ngành nông nghiệp cũng như đảm bảo an ninh lương thực.
Số liệu của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy 90% số đồng ruộng hiện nay trên thế giới được sở hữu bởi các hộ gia đình nông dân cá thể, phần lớn trong số đó thuộc dạng manh mún và chủ yếu nằm ở các vùng nông thôn tại những nước đang phát triển.
Rất nhiều hộ nông dân thuộc dạng nghèo và thiếu ăn cũng như bị hạn chế tiếp cận với thị trường cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác.
Theo Leonie Hill Capital, chính phủ nhiều nước hiện nay đã nhận ra hạn chế này và bắt đầu nới lỏng các quy định, cho phép nguồn vốn tư nhân chảy vào nông nghiệp. Hàng loạt các chính sách như mở rộng hạn điền, ngân hàng đất nông nghiệp đã được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng manh mún kém hiệu quả này.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều rào cản thương mại cũng ngăn thế giới lo cái ăn cho 7 tỷ người khi lương thực không thể tự do chảy từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Ví dụ như lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ, lúa mạch và nhiều loại ngũ cốc vào năm 2010 của Nga đã khiến các khách hàng chính như Ai Cập lâm vào khó khăn. Thời kỳ đó, Ai Cập đã phải rất vất vả tìm kiếm nguồn cung lúa mì khác cũng như trợ giá bánh mì nhằm đảm bảo trật tự an ninh xã hội.
Báo cáo của Oxfam năm 2011 cũng cho thấy một khách hàng nhập lúa mạch lớn khác của Nga là Pakistan cũng chịu ảnh hưởng nặng. Do chính phủ không trợ giá nên giá lúa mạch đã tăng chóng mặt, qua đó nâng tỷ lệ nghèo đói của nước này thêm 1,6% chỉ trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, báo cáo của FAO năm 2016 cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến ngành nông nghiệp nhiều nước phải chuyển đổi mô hình hoặc tìm kiếm những hướng đi mới để duy trì an ninh lương thực dài hạn.
Báo cáo của FAO đã cảnh báo rằng thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi, thủy sản và lâm nghiệp ở tất cả các quốc gia sau năm 2030.