Để thoát khỏi cảnh 'đói ăn', Nhật Bản mở rộng hạn điền bằng mô hình đặc biệt này
Với tên gọi khác là “ngân hàng nông nghiệp”, FIAO đóng vai trò như một tổ chức trung gian giữa những chủ đất nông nghiệp bỏ hoang và những gia đình nông dân không có đất canh tác, hoặc những nhà đầu tư muốn tham gia ngành này.
Nhật Bản là một cường quốc kinh tế nhưng hiếm ai biết được rằng quốc gia này cũng dễ lâm vào tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực nhất trong số 12 nền kinh tế phát triển. Báo cáo của Bộ nông nghiệp Nhật năm 2011 cho thấy nước này chỉ tự cung tự cấp được 39% lương thực trong nước.
Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp được 45% lương thực vào năm 2025 và một trong những biện pháp nổi bật nhất là xây dựng ngân hàng nông nghiệp.
Tổ chức quản lý trung gian đất nông nghiệp (FIAO)
Bắt đầu từ năm tài khóa 2014, chính quyền Tokyo đã thành lập FIAO với chi nhánh trên toàn quốc nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp cũng như nâng cao năng suất nhờ đẩy mạnh giao dịch đất nông nghiệp.
Với tên gọi khác là “ngân hàng nông nghiệp”, FIAO đóng vai trò như một tổ chức trung gian giữa những chủ đất nông nghiệp bỏ hoang và những gia đình nông dân không có đất canh tác, hoặc những nhà đầu tư muốn tham gia ngành này.
Không dừng lại đó, FIAO còn đặt mục tiêu mua hoặc thuê lại đất đai từ những hộ nông dân nhỏ lẻ để gộp lại thành những mảnh đất lớn, dễ dàng hơn cho canh tác trong các trang trại và cho thuê vùng đất này lại cho các tập đoàn nông nghiệp lớn để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Số liệu năm 2010 của Bộ nông nghiệp Nhật cho thấy những người nông dân nước này mới chỉ canh tác trên khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp và chính quyền Tokyo muốn nâng tỷ lệ này lên thành 80% trong 10 năm tới.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng muốn FIAO khôi phục hoạt động của những mảnh ruộng bị bỏ hoang, ước tính lên tới 400.000 ha theo thống kê năm 2010 cũng như ngăn chặn tình trạng bỏ không đồng ruộng.
Để có thể đạt mục tiêu trên, FIAO đã làm việc rất chặt chẽ với các hội đồng nông nghiệp địa phương nhằm tìm kiếm chính xác những hộ nào muốn cho thuê đất nông nghiệp.
Trong trường hợp không có hộ gia đình nào muốn cho thuê đất, vậy hội đồng nông nghiệp địa phương sẽ được trao quyền sử dụng bất kỳ mảnh đất nông nghiệp nào mà họ đánh giá là hoạt động kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang. Đối với những mảnh đất hoang vô chủ, chính quyền địa phương sẽ đăng thông báo lên các phương tiện truyền thông công cộng trước khi lấy quyền sử dụng của mảnh đất đó.
Trước đây, Bộ nông nghiệp Nhật đã từng thiết lập một cơ quan tương tự FIAO là Tổ chức phân bổ lại quyền sử dụng đất nông nghiệp (FORC), tồn tại từ năm 1970 cho đến cuối niên khóa 2013. Tuy nhiên, FORC đã thất bại khi thực thi sứ mệnh của mình bởi cơ quan này tập trung quá nhiều vào việc mua bán đất nông nghiệp thay vì thuê và cho thuê đất để canh tác.
Hơn nữa, FORC buộc các hộ gia đình và những doanh nghiệp muốn mua đất phải thương thảo trực tiếp với nhau không qua trung gian, qua đó tạo nên nhiều rắc rối cũng như tranh cãi về sự không thống nhất. Đặc biệt, việc thiếu hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã khiến FORC bất lực trước việc tái cơ cấu quy hoạch đất nông nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ FORC, Nhật Bản xây dựng FIAO với nhiệm vụ tập trung vào đàm phán với các hộ nông dân để gộp đất lại thành những khu vực rộng lớn và cho các tập đoàn nông nghiệp thuê để canh tác. Hơn nữa, FIAO cũng không ép các hộ nông dân phải bán đất hoặc buộc phải cho thuê, trừ khi mảnh đất của họ bị đánh giá là bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Một trong những giải pháp trung hòa được FIAO thực hiện là cho những hộ nông dân bị buộc cho thuê mảnh đất bỏ hoang của họ bằng một mảnh đất khác để canh tác nếu họ muốn tiếp tục.
Thêm nữa, những công ty muốn thuê đất phải liên lạc trực tiếp với FIAO mà không phải tốn sức nói chuyện với nhiều hộ nông dân, qua đó tạo nên những phiền phức không đáng có.
Bộ nông nghiệp Nhật cũng cho biết họ đã dành khoảng 700 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho FIAO nhằm tránh tình trạng cạn kiệt tài chính và hoạt động không hiệu quả của ví dụ FORC trước đó.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù vậy, FIAO vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Thách thức đầu tiên là việc FIAO phải thanh toán tiền thuê đất cho các hộ nông dân tự nguyện cho thuê đất dù có thể chưa có tập đoàn nông nghiệp nào đồng ý thuê lại từ FIAO, qua đó tạo gánh nặng tài chính cho cơ quan này.
Hơn nữa, dù Bộ nông nghiệp Nhật đã yêu cầu hội đồng nông nghiệp các địa phương hợp tác với FIAO nhưng rất nhiều thành viên của các hội đồng này là những người nông dân trong vùng với mục tiêu khác so với FIAO. Thậm chí, hội đồng nông nghiệp địa phương có thể từ chối hợp tác với FIAO nếu họ thấy xung đột về lợi ích.
Một cản trở khá lớn nữa là Luật đất nông nghiệp (ALA) hiện tại của Nhật cho phép người nông dân chuyển đổi đất thổ canh (dùng để canh tác) sang thổ cư (dùng để xây nhà sinh sống) và bán chúng cho các doanh nghiệp bất động sản khi giá nhà tăng cao, qua đó giới hạn khả năng can thiệp của FIAO.
Tính trong năm tài khóa 2014, FIAO mới chỉ thu mua, thuê mướn được 36.200 ha đất bỏ hoang và mới chỉ bán hoặc cho thuê được 31.000 ha, tương đương 22% mục tiêu 149.200ha.
Bên cạnh việc xây dựng FIAO nhằm thúc đẩy năng suất đất nông nghiệp, chính phủ Nhật cũng đang có kế hoạch nâng thuế đất đai với những mảnh đất canh tác không hiệu quả.
Hiện thuế đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng giá trị nhưng lợi nhuận mà những mảnh đất này đem lại khá thấp, vào khoảng 0,56 USD/m2, tương đương 0,2% thu nhập từ những mảnh đất thổ cư.
Bình quân mỗi năm, một hộ gia đình nông dân chỉ phải trả 9 USD tiền thuế cho mỗi 1.000 m2 đất nông nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với mức 162 USD/1.000 m2 của đất thổ cư. Điều này khiến nhiều chính trị gia Nhật kêu gọi tăng thuế nông nghiệp hoặc phạt mạnh tay với những mảnh đất bỏ hoang. Hiện tại, một mảnh đất bỏ hoang sẽ bị đánh thuế cao gấp 1,8 lần so với thông thường tại Nhật Bản, hoặc thậm chí bị buộc cho thuê hay bán lại cho FIAO.