Không phải bất động sản, một ngành có nguy cơ "chảy máu" nhân lực: Hơn 50% lao động muốn đổi nghề

13/12/2023 10:07 AM | Kinh doanh

Đây là ngành duy nhất có tỷ lệ lao động muốn chuyển đổi công việc sang nhóm ngành khác chiếm quá nửa.

Thị trường lao động toàn cầu đã trải qua năm 2023 đầy biến động và làn sóng sa thải từ cuối năm 2022 tiếp tục lan rộng ra nhiều ngành nghề. Theo đánh giá toàn diện về các đợt sa thải của Bloomberg News (2023), ban lãnh đạo Doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới, ở đa dạng các lĩnh vực: từ công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, công nghiệp, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, năng lượng, nguyên vật liệu, điện nước.

Ngành công nghệ sa thải nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân sự bị cắt giảm. Lãnh đạo của các công ty cho biết họ đã tuyển dụng quá nhiều do nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trung bình, các công ty công nghệ đã sa thải 10% nhân sự của họ. Đối với các lĩnh vực truyền thông, tài chính, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và năng lượng, tỷ lệ sa thải trung bình bằng hoặc cao hơn, mặc dù tổng số nhân sự bị sa thải nhỏ hơn. Điển hình, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mức giảm nhân sự trung bình là 20% trong hơn 120 đợt sa thải.

Nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao, cũng không nằm ngoài làn sóng sa thải. Theo kết quả khảo sát Báo cáo Lương và triển vọng thị trường lao động năm 2024 do Navigos vừa phát hành, có đến 454/ 555 doanh nghiệp trả lời có bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm 82,2%. Đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất chính là cắt giảm nhân sự, với 68,7% bình chọn. Đứng thứ hai là biện pháp ngưng tuyển dụng mới, với 52,6% bình chọn.

Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Cắt giảm từ 50% đến dưới 75% nhân sự xuất hiện trong 2 ngành Xây dựng/ Bất động sảnDịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10,0% doanh nghiệp trong ngành. Duy nhất ngành Dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5,0% doanh nghiệp.

Không phải bất động sản, một ngành có nguy cơ "chảy máu" nhân lực: Hơn 50% lao động muốn đổi nghề - Ảnh 1.

Nguồn: Navigos

Trong khi đó, phần lớn ứng viên/người lao động không bị mất việc và vẫn làm việc ổn định khi tỷ lệ lựa chọn lên đến 69,2%. 

Tuy nhiên, thực trạng lao động Việt Nam mất việc làm cũng xảy ra ở hầu khắp các ngành, với tỷ lệ khác nhau. Trong đó, Xây dựng & Bất động sản là ngành có tỷ lệ lao động bị mất việc và chưa tìm được công việc mới cao nhất, khoảng 15,7% trong số các đáp viên tham gia khảo sát. Theo sau là ngành Bán lẻ/ bán buôn và Chuỗi nhà hàng, với tỷ lệ 15,5%; Khách sạn & Du lịch và Vận tải/Giao nhận/Chuỗi cung ứng là 14,5%. Trong khi đó, ngành thương mại, dịch vụ có vốn đầu tư của Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ lao động bị mất việc và chưa tìm được công việc mới thấp nhất, khoảng 3,9%.

Khảo sát với những người lao động phải đối mặt với làn sóng sa thải nhân sự, tỷ lệ được thanh toán tiền lương đầy đủ và kịp thời chỉ đạt 24,6%, được nhận trợ cấp thất nghiệp đạt 17,2%, trợ cấp thôi việc đạt 16% số đáp viên.

Trong khi đó, khi được khảo sát về tình trạng tăng/giảm lương của ứng viên/người lao động trong năm 2023, tăng lương và lương không đổi chiếm đa số, với tỷ lệ xấp xỉ nhau lần lượt là 44,4% và 44,1%. Số ứng viên/người lao động bị giảm lương chỉ chiếm thiểu số với 11,5%.

Không phải bất động sản, một ngành có nguy cơ "chảy máu" nhân lực: Hơn 50% lao động muốn đổi nghề - Ảnh 2.

Nguồn: Navigos

Trong khi đó, có đến 43,3% đáp viên có mức tăng lương từ 5% đến dưới 10%. Đặc biệt, có 2,7% cho biết được tăng lương từ 20% trở lên.

Cũng theo Navigos, hầu hết ứng viên và người lao động hiện nay không có dự định hoặc đang xem xét dự định chuyển việc sang nhóm ngành khác, lần lượt có tỷ lệ 44,4% và 42,1% số đáp viên tham gia trả lời. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ lựa chọn đang xem xét dự định chuyển đổi công việc sang nhóm ngành khác, hơn 50,7% người lao động trong ngành Bán lẻ/Bán buôn & Chuỗi nhà hàng đang có dự định.  

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, nhìn chung tâm lý của ứng viên/người lao động vẫn khá tích cực khi có đến 55,2% lựa chọn tích cực đón nhận và chủ động tìm kiếm công việc mới, cũng như 22,5% lựa chọn tự tin mình không bị ảnh hưởng khi được hỏi về tâm lý đối mặt với thông tin cơn bão cắt giảm nhân sự.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ phận ứng viên/người lao động cảm thấy bất an và lo lắng (chiếm 14%). Đây là tâm lý dễ hiểu khi cơ hội việc làm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những tín hiệu không mấy khả quan trên thị trường lao động. Cũng theo kết quả khảo sát, có 5,9% cảm thấy bình thường/không quan tâm khi tiếp nhận thông tin cơn bão cắt giảm nhân sự.


Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM