Không ngừng trả đũa thuế quan, Mỹ và Trung Quốc đẩy lạm phát tăng cao nguy hiểm?
Nhiều người lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và tạo ra sức ép suy giảm lên hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các biện pháp trả đũa thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng đang buộc các doanh nghiệp phải đẩy phần chi phí cao hơn đó về phía người tiêu dùng, xu thế này sẽ khiến cho áp lực lạm phát tại cả hai nước tăng lên, theo nhận định của Nikkei trong bài báo mới đây.
Rất nhiều công ty đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có cả các tập đoàn đa quốc gia như BMW và Daimler, đang tăng giá bán hàng hóa. Điều này không khỏi khiến nhiều người lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và tạo ra sức ép suy giảm lên hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại thành phố biển Giang Tô, Trung Quốc, công ty Kunshan Huizhong chịu nhiều sức ép về lợi nhuận khi mà phía Mỹ áp thuế lên đến 25% đối với sản phẩm phụ tùng ô tô mà công ty xuất sang Mỹ.
Công ty chấp nhận chịu thuế suất 15% còn sẽ đẩy 10% về phía người tiêu dùng, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm mà công ty bán ra thị trường sẽ tăng giá 10%. Công ty này hiện đang nhận hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ Trung Quốc.
Đối với công ty sản xuất linh kiện điện tử TDK, một số mặt hàng mà công ty sản xuất tại Trung Quốc đã trở thành mục tiêu tăng thuế của chính phủ Mỹ. Phó chủ tịch công ty, ông Tetsuji Yamanishi, cho biết khách hàng của công ty đã chấp nhận việc công ty tăng giá.
Đối với nhiều công ty, việc tăng giá bán hàng hóa có thể coi như cách thích nghi dễ chịu hơn so với việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất sang nước khác vốn tiêu tốn quá nhiều thời gian và công sức, đặc biệt với những doanh nghiệp trong ngành ô tô vốn yêu cầu phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng.
Công ty Hitachi Automotive Systems, một công ty sản xuất phụ tùng ô tô thuộc tập đoàn Hitachi, đã viết thư gửi lên đại diện thương mại Mỹ, lý giải rằng sẽ cần phải mất vài năm mới có thể hoàn tất được việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Khá nhiều hãng xe ngoại tại Trung Quốc đã nâng giá bán ô tô nhập từ Mỹ để bù lại cho việc họ đang phải đóng thuế cao hơn.
Hãng xe ô tô điện của Mỹ Tesla, hãng mới xây nhà máy ở Thượng Hải, đã nâng giá bán thêm khoảng 20% với mẫu xe Model S và Model X. BMW và Daimler đã nâng giá bán đối với xe đa dụng thể thao sản xuất tại Mỹ. Trong ngày thứ Ba, BMW đã công bố giảm dự báo lợi nhuận của công ty năm 2018 bởi xét đến yếu tố xung đột thương mại cũng như một vài yếu tố khác.
Những công ty cung cấp được sản phẩm chuyên biệt dễ thích nghi hơn với thị trường ngay cả khi họ tăng giá bán hàng hóa bởi sẽ khó để khách hàng có thể chuyển sang nhà cung cấp khác. Tuy nhiên nhìn chung việc tăng giá bán hàng hóa chắc chắn không phải việc dễ chịu, chính vì vậy một số công ty không dám làm vậy.
Có những công ty ví như hai công ty sản xuất phụ tùng ô tô tại Giang Tô hay Chiết Giang đã chấp nhận chi phí tăng mà không tăng mạnh giá bán hàng, họ cho biết họ đang tìm kiếm các kênh khác để bán được nhiều hàng hơn.
Hiện nay, ngày một nhiều người lo ngại về khả năng giá nhập khẩu tăng và việc chiến tranh thương mại leo thang toàn diện sẽ có thể đẩy cao lạm phát vốn đã cao từ trước đó tại Mỹ và Trung Quốc.
Trong tháng 6/2018, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng 2,9%, mức tăng mạnh nhất trong hơn 6 năm và đã không ngừng duy trì ở quanh ngưỡng 3%. Lạm phát tại Trung Quốc, vốn đã tăng nhanh do mức lương tăng và giá nguyên liệu tăng, sẽ còn có thể tăng cao hơn nữa.