Những nền kinh tế sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Nghiên cứu mới đây của ngân hàng Deutsche Bank chỉ ra rằng Mexico, Canada và cả eurozone có thể hưởng lợi từ những rào cản mà các công ty Trung Quốc gặp phải ở thị trường Mỹ.
Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và bị nhìn nhận là mối đe dọa với kinh tế thế giới, một số bên lại coi đây là một cơ hội có thể tận dụng. Cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh có thể cho phép các công ty châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản hưởng lợi khi mà các đối thủ vấp phải nhiều rào cản khi làm ăn ở Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ, dữ liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ cho thấy trong năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ số máy móc điện tử trị giá 147 tỷ USD. Đây là mặt hàng có nhiều sản phẩm nằm trong danh mục đánh thuế mới nhất của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, Mexico – nước có lợi thế lớn về vị trí địa lý khi giao thương với Mỹ - hiện mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ 62 tỷ USD và nếu biết tận dụng cơ hội thì hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc và gia tăng con số này.
Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ ngày càng gặp nhiều rào cản khi tiếp cận nền kinh tế 12.000 tỷ USD của Trung Quốc. Gabriel Felbermayr, giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế ifo (Munich), nhận định châu Âu có thể là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Theo ông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Đức – nhóm xuất khẩu chủ lực của châu Âu – có thể hưởng lợi nếu như hiện tại chưa hiện diện ở Mỹ hay Trung Quốc. Các công ty châu Âu và Nhật Bản nên tận dụng cơ hội để thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp xe cộ, máy bay và hóa chất cho thị trường Trung Quốc.
Nhưng các công ty ở bên ngoài châu Âu có thể phải chịu những tác động tiêu cực từ cuộc chiến này do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong đó mong manh nhất là các nền kinh tế xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore.
Tuy nhiên về dài hạn, giống như khi EU và Mỹ áp đặt thuế trừng phạt lên các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2012, các công ty Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang các nước láng giềng như Malaysia, Philippines và Việt Nam. Xu hướng tương tự sẽ làm lợi cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
Chí ít thì ở thời điểm hiện tại, tác động của chiến tranh thương mại lên kinh tế toàn cầu vẫn còn hạn chế. Dù các hành động ăn miếng trả miếng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng, lượng hàng hóa chính thức bị ảnh hưởng chỉ chiếm 2,5% thương mại toàn cầu. Theo Oxford Economics, kể cả khi Mỹ đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tỷ lệ cũng chỉ tăng lên mức 5,2%.
Tuy nhiên các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu những tác động sâu hơn, giống như giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo. Căng thẳng thương mại khiến dòng tiền tìm đến các tài sản an toàn trong đó có đồng USD, tăng thêm áp lực lên các nền kinh tế vốn đang cố gắng giữ cho đồng nội tệ không giảm giá quá sâu.
Và nếu xung đột trở thành đa phương thay vì song phương như hiện nay, các tác động sẽ lớn hơn đáng kể và khi đó khó có thể tìm được bên thắng cuộc.