Các công ty châu Á bỏ chạy khỏi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Khoảng 30% công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết sẽ chuyển qua xây dựng nhà máy ở nơi khác nhằm tránh ảnh hưởng của xung đột này. Phần lớn những công ty này sẽ chuyển đến Đông Nam Á hoặc Ấn Độ và chỉ 6% là cho biết sẽ xem xét mang nhà máy trở lại Mỹ.
Mỗi khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ siết thuế nhập khẩu nhôm thép, tập đoàn Zhongwang Holding của Trung Quốc lại tìm được cách nào đó để tuồn sản phẩm vào thị trường này.
Năm 2009, Mỹ áp thuế đặc biệt lên mặt hàng nhôm cho cửa sổ và khung cửa từ Trung Quốc, ngay lập tức Zhongwang tăng cường xuất khẩu những sản phẩm nhôm khác. Năm 2016, công ty này mua lại hãng Aluminiumweek Unna của Đức để né thuế và xuất khẩu sản phẩm từ đây vào Mỹ.
Tuy nhiên đến tháng 6/2018, Zhongwang bất lực nhìn Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên tất cả các sản phẩm nhôm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay tập đoàn sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới này đang phải chuyển hướng thị trường sang Châu Âu và nội địa.
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump đang khơi mào khiến nền kinh tế toàn cầu bị rung chuyển mạnh. Ví dụ việc đánh thuế lên những mặt hàng kim loại sẽ khiến hàng loạt sản phẩm sử dụng nguyên liệu này tăng giá tại Mỹ, ví dụ như xe hơi hoặc lon đồ uống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tồi tệ hơn, ngoài việc áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Trump đe dọa sẽ nâng mức thuế này lên 25% vào năm 2019 và sẵn sàng áp thuế lên toàn bộ 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của quốc gia này ngay lập tức nếu có hành động đáp trả.
Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố áp 5-10% thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ dù vẫn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với nền kinh tế số 1 thế giới.
Bất chấp những căng thẳng thương mại và sự rung chuyển của thị trường chứng khoán khi giảm điểm xuống mức thấp kỷ lục 4 năm qua trong phiên 17/9, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán quốc gia Trung Quốc Fang Xinghai vẫn tuyên bố nước này đã chuẩn bị trước cho kịch bản này. Ông cũng cho rằng ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với tăng trưởng kinh tế chỉ vào khoảng 0,7%.
Mặc dù vậy, nhiều công ty vẫn lo lắng khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới gây chiến với nhau. Khoảng 30% công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết sẽ chuyển qua xây dựng nhà máy ở nơi khác nhằm tránh ảnh hưởng của xung đột này. Phần lớn những công ty này sẽ chuyển đến Đông Nam Á hoặc Ấn Độ và chỉ 6% là cho biết sẽ xem xét mang nhà máy trở lại Mỹ.
Tập đoàn Li&Fung, chuyên sản xuất quần áo hợp đồng cho hàng loạt nhà bán lẻ như Walmart hay May đã giảm tỷ lệ hoạt động tại Trung Quốc từ 54% năm 2016 xuống 49% hiện nay. Giám đốc sản xuất Spencer Fung của hãng cho biết con số này sẽ còn giảm nữa trước tình hình cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Ngành dệt may đang cố dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Hiện Li&Fung đã hướng sang những nước như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ… để xây dựng nhà máy của mình.
Trong khi đó, hãng Eclat Textile chuyên sản xuất quần áo cho Nike, Adidas… đã chuyển hết nhà máy khỏi Trung Quốc từ năm 2016 để đến Việt Nam và Campuchia. Hiện công ty này nhận ngày càng nhiều đơn hàng từ những doanh nghiệp muốn tránh cuộc chiến thương mại My-Trung.
Thậm chí, chính Bộ trưởng thương mại Campuchia Sorasak Pan, nơi có tới 630.000 lao động trong ngành dệt may, đã phải thừa nhận rằng cuộc xung đột trên có thể đem lại lợi ích cho nền kinh tế Đông Nam Á này.
Một cuộc chiến không có kẻ thắng
Hãng vận tải lớn thứ 3 thế giới là Cosco Shipping đã hủy tuyến đường biển Mỹ-Trung vào tháng 8 vừa qua sau khi 2 nền kinh tế bùng nổ xung đột. Công ty này cho biết lượng hàng hóa vận tải giữa 2 thị trường co thể sẽ giảm 10% nếu mức thuế 25% có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc
Không dừng lại ở đó, một loạt các mặt hàng và doanh nghiệp của 2 nước Mỹ-Trung đang phải vật lộn trước xung đột thương mại. Lượng thịt lợn xuất khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 20-30% nửa đầu năm 2018 và phần lớn chúng được chuyển hướng sang những thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mexico.
Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu thiệt hại nhất định thì những nền kinh tế khác lại được lợi. Hãng nông nghiệp Olam International của Singapore cho biết công ty đang làm ăn thuận lợi nhờ nhu cầu đậu nành của Trung Quốc tăng cao sau khi nâng thuế nhập khẩu với mặt hàng đậu nành Mỹ.
Số liệu của Olam cho thấy các chuyến hàng trở đậu nành của hãng đến Trung Quốc nửa đầu năm nay đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn quốc tế cũng hưởng lợi lớn khi chính quyền Washington ngăn cản những công ty Trung Quốc mua lại doanh nghiệp của nước này. Năm 2017, hãng Zhongwang thất bại khi muốn mua lại Aleris của Mỹ nhưng chỉ 1 năm sau, người Mỹ lại định bán công ty này cho Hindalco của Ấn Độ với giá 2,6 tỷ USD.
Những cửa hàng thương hiệu quốc tế như Starbucks tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại