Không còn học sinh tiên tiến ở cấp 2, cấp 3 từ ngày 5/9/2021
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định mới về việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ thực hiện từ ngày 5/9.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và sẽ triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 – 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó đến lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.
Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định về việc tặng giấy khen cho học sinh nêu tại Điều 15. Theo đó, Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen để khen thưởng cuối năm học cho học sinh:
Học sinh xuất sắc: Học sinh có kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất sáu môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 trở lên.
Học sinh giỏi: Học sinh có kết quả rèn luyện và kết quả học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt.
Trong khi đó, theo khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, học sinh chỉ được công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kỳ hoặc cả năm học nếu hạnh kiểm tốt và học lực giỏi; đạt học sinh tiên tiến học kỳ hoặc năm học nếu hạnh kiểm và học lực từ loại khá trở lên.
Như vậy, Thông tư 22 có hiệu lực thì không còn học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Đồng thời, việc khen thưởng danh hiệu cũng không căn cứ vào hạnh kiểm và học lực mà căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập.
Hiệu trưởng cũng sẽ trao giấy khen cho học sinh giỏi và học sinh xuất sắc cũng như khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học (quy định cũ, Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh có thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện).
Đồng thời, khoản 2 Điều 15 Thông tư 22 cũng nêu rõ: Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng
Thay đổi cách xếp loại học lực, hạnh kiểm: Quy định mới cũng không tính điểm trung bình tất cả môn học để đưa ra xếp loại học lực như trước mà có sự điều chỉnh. Kết quả của từng học kỳ, năm học được đánh giá theo một trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Trong đó, học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.
Như vậy, với cách tính này, các môn đều được đánh giá công bằng như nhau, không có môn chính, môn phụ.
Tương tự, học sinh được xếp mức Khá khi tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.
Học sinh được xếp mức Đạt khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm.
Các trường hợp còn lại sẽ xếp mức Chưa đạt.
Cũng theo cách đánh giá mới này, sẽ không quy định xếp loại hạnh kiểm như trước, mà cũng được xếp loại theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.