Không chỉ dân Mỹ ủng hộ quan điểm dân túy quốc gia, ngay cả người dân châu Âu cũng đã e sợ toàn cầu hóa
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bertelsmann Foundation, lần đầu tiên người ta thấy tỷ lệ người dân ở châu Âu coi toàn cầu hóa là mối hiểm họa cao đến thế.
Năm 2016 vừa qua là một năm mà chủ nghĩa dân túy đã lên ngôi ở khắp các quốc gia trên thế giới. Trong số đó phải kể đến những ví dụ điển hình của Donald Trump ở nước Mỹ, hay sự mọc lên “nhiều như nấm” của một loạt các phe cánh hữu khác ở khắp châu Âu.
Tất cả đều có chung một quan điểm rằng sự toàn cầu hóa thế giới là mối nguy hại, chứ không phải là một sự kiện gì vui vẻ và đáng được mong đợi như phe cánh tả vẫn tuyên truyền. Vì thế, họ cho rằng sự quay trở lại của chủ nghĩa dân tộc, với những quan điểm dân túy quốc gia, bảo hộ mậu dịch, bài nhập cư….là cần thiết.
Giờ đây, vào những ngày đầu năm 2017 này, quan điểm đó dường như đã có vẻ như đã được lan tỏa mạnh hơn bao giờ hết trong đại bộ phận người dân ở châu Âu. Trong một cuộc khảo sát gần đây diễn ra tại nhiều nước châu Âu, được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu nước Đức là Bertelsmann Foundation, lần đầu tiên người ta thấy tỷ lệ người dân ở lục địa già coi toàn cầu hóa là hiểm họa cao đến thế.
Điều đáng nói hơn, theo cuộc khảo sát này, chính nỗi e sợ những mối nguy hại của toàn cầu hóa mới là một “yếu tố quan trọng hơn các các yếu tố khác” (từ gốc trong báo cáo của Bertelsmann Foundation: one factor more important than other factors), qua đó làm người dân châu Âu “gật đầu” với chủ nghĩa dân túy, chứ không phải là những thứ như “khát khao được trở lại với những giá trị truyền thống của quốc gia” hay “những nỗi e sợ khủng hoảng kinh tế” của người dân.
Cụ thể, cuộc khảo sát này đã thu thập dữ liệu là những câu trả lời của gần 15.000 người dân trên tổng cộng 28 nước thuộc EU. Câu hỏi chung được tổ chức phi lợi nhuận đến từ Đức đặt ra là bạn nghĩ rằng toàn cầu hóa – được định nghĩa như là việc toàn bộ các quốc gia trên thế giới kết nối với nhau về mặt thương mại, đầu tư và công nghệ - là một hiểm họa hay là một cơ hội mở ra cho toàn thế giới ?
"Nỗi sợ" toàn cầu hóa của người dân các nước châu Âu
Kết quả của cuộc khảo sát đã cho thấy rằng sự lo lắng của người dân được thể hiện rõ nhất ở các nước Áo và Pháp. Đây là những nơi mà đã có lần lượt 55% và 54% số người được hỏi cho biết rằng họ xem toàn cầu hóa là một mối đe dọa thực sự.
Điều đáng chú ý, hai nước này cũng là những nước duy nhất mà đa số công dân đều thoải mái chia sẻ quan điểm của mình về toàn cầu hóa. Đồng thời, Áo và Pháp cũng đang là những nước mà phong trào dân túy đang lên cao.
Cụ thể, ở Pháp, cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống mới sẽ diễn ra vào tháng 4 tới và ứng cử viên Đảng cực hữu là ông Marine Le Pen đang được nhắc đến như một trong số những nhân vật khả dĩ nhất cho vị trí đứng đầu đất nước. Trong khi đó, tại Áo, Đảng Tự do – một Đảng cánh tả điển hình - đã suýt nữa bị đánh bại bởi các thể lực cánh hữu trong những cuộc chạy đua Tổng thống gần đây.
Ở Đức, thành trì của tư tưởng toàn cầu hóa ở châu Âu, nơi đã tiếp nhận làn sóng nhập cư ồ ạt từ Bắc Phi nhờ sự “háo phóng” của nữ Thủ tướng Angela Merkel, đã có tới 45% số người được hỏi đã cho biết rằng họ xem toàn cầu hóa như là mối nguy hại. Con số này rõ ràng là cao hơn hẳn so với những cuộc khảo sát tương tự cũng diễn ra tại quốc gia này trước đây.
Sự tín nhiệm giảm xuống kỷ lục cho bà Merkel - một biểu tượng của sự toàn cầu hóa tại châu Âu
Điều này là dễ hiểu khi mà chính thủ tướng Angela Merkel cũng đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối dữ dội chưa từng có trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, đặc biệt là từ phe cánh hữu, khi bà gần đây đã có quyết định sẽ chào đón tới hơn một triệu người di cư vào Đức.
Một nơi mà người dân cũng thể hiện sự lo lắng là đất nước Hà Lan. Có tới 40% số người được hỏi đã thể hiện sự quan ngại về toàn cầu hóa. Được biết, Hà Lan cũng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 và hiện tại, ông Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do cực hữu, đang chính là người chiếm ưu thế.
Ở đất nước vừa diễn ra Brexit là nước Anh, một điều thú vị đã xảy ra khi chỉ có 36% số người dân cho biết họ lo ngại toàn cầu hóa. Đây là con số thống kê thấp nhất trong tất cả quốc gia được khảo sát.
Các chuyên gia có thể thấy được một vài kết quả tích cực tại đất nước Italy, khi mà vẫn có tới 61% số người được hỏi cho biết rằng họ vẫn xem toàn cầu hóa là một cơ hội.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kết quả này là khá mâu thuẫn với tình hình chính trường tại Italy, nơi mà phe cánh hữu đã có những tiếng nói nhất định. Một ví dụ gần đây là sự từ chối cải cách hiến pháp Thủ tướng Matteo Renzi đã được giới chuyên gia coi như là một thắng lợi lớn cho phong trào cánh hữu.
Trên khắp 28 quốc gia thành viên EU được cuộc khảo sát xem xét, đã có 45% số người được hỏi cho biết họ thấy toàn cầu hóa là một mối đe dọa và 55% xem nó như là một cơ hội.
Dù rằng tỷ lệ cho rằng toàn cầu hóa là nguy hại này vẫn chưa quá bán nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã tăng lên rất nhiều sau những biến cố nhập cư, khủng bố và khủng hoảng kinh tế vừa qua. Kết quả này càng đáng nói hơn khi nó được nói lên từ chính những người dân của khối EU – một biểu tượng hiện hữu nhất cho công cuộc toàn cầu hóa của thế giới.
Trong báo cáo của khảo sát, ông Aart De Geus, chủ tịch của Bertelsmann Foundation kết luận: "Châu Âu đã được hưởng những lợi ích đặc biệt từ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, giờ đây nhiều người ở chính châu lục này cảm thấy họ đang bị bỏ lại phía sau".