Không chỉ có hại cho sức khoẻ, thói quen cắn móng tay cũng nói lên nhiều điều về tính cách của bạn

09/12/2017 11:07 AM | Sống

Cắn móng tay, tự bứt tóc hay bóc những vết xước trên da là những người có đức tính cầu toàn, dễ nổi cáu, chán nản và rất khó kiên nhẫn để làm thứ gì đó.

Bạn có hay lơ đãng xoắn các lọn tóc vào ngón tay hay cắn móng tay không? Nghiên cứu từ Đại học Montreal cho biết những hành vi cưỡng chế như vậy có thể nói lên nhiều điều về tính cách của bạn.

Theo các nhà nghiên cứu, những người nhìn chung thiếu bình tĩnh, dễ nổi cáu hoặc dễ chán nản thường có những hành vi lặp lại như làm tổn thương ngoài da, cắn móng tay hoặc giật tóc.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng chủ nghĩa hoàn hảo – một nét tính cách có thể gây nhiều tác hại hơn chúng ta vẫn nghĩ – chính là nguyên nhân gốc rễ.

“Chúng tôi tin rằng những người có các hành động lặp lại có thể rất cầu toàn, nghĩa là họ không thể thư giãn và làm mọi việc với tốc độ bình thường được”, tiến sĩ Kieron O’Connor, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Vì thế họ rất dễ cáu kỉnh, mất bình tĩnh, và bất mãn khi không đạt được mục tiêu của mình. Họ cũng cảm thấy chán nản ở mức độ cao hơn người khác.”

Nghiên cứu này được các nhà khoa học tiến hành với 48 người, một nửa trong số đó thường xuyên có những loại hành vi như đã nêu. Những người còn lại đóng vai trò như một nhóm đối chứng. Tất cả đều nhận được những câu hỏi về mức độ họ trải nghiệm các cảm xúc như chán chường, giận dữ, tội lỗi, bực dọc và lo lắng.

Sau đó, mỗi người được đặt vào những tình huống mà các nhà nghiên cứu tạo ra để kích hoạt các cảm xúc đó (gồm cả cảm giác thư giãn, stress, khó chịu và chán nản). Chẳng hạn trong ngữ cảnh buồn chán, người tham gia sẽ phải ngồi một mình trong một căn phòng 6 phút liền.

Những người có tiền sử hiếu động và có các hành vi lặp lại rõ ràng bị kích thích hơn và dễ thực hiện những hành vi đó khi cảm thấy stress và bực mình. Nhưng họ không hề có ý muốn thực hiện những hành vi đã nêu khi đang cảm thấy thoải mái, thư giãn.

Nếu bạn liên tục cắn móng tay, thì đừng lo lắng quá – có thể bạn sẽ chẳng làm gì có hại đâu. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu nói rằng những hành vi như vậy là để phục vụ một mục đích tạm thời, khi ta chưa thể hướng nguồn năng lượng vào đúng nơi mình muốn một cách hiệu quả.

“Những thói quen này có tác dụng tích cực là kích thích và kiểm soát cảm xúc,” O’Connor cho biết.

Nhưng khi các thói quen có vẻ khó ngăn chặn và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, chúng có thể trở thành các hội chứng rối loạn. Ví dụ, nữ diễn viên Olivia Munn đã phải vật lộn chống chọi với hội chứng trichotillomania, một chứng rối loạn lo lắng có đặc điểm là khiến bệnh nhân liên tục bứt tóc (trong trường hợp của Munn là lông mi).

“Tôi không cắn móng tay, mà là kéo lông mi. Nó cũng không đau, nhưng thực sự rất khó chịu và nhiều phiền toái,” Munn kể lại.

Vậy những hành vi này có thể chữa trị bằng cách nào? Theo O’Connor, hiện có 2 hướng chính – một phương án điều trị hành vi bằng cách thay thế thói quen đó với một hành động mang tính đối trọng, và một phương án khác tập trung vào các yếu tố nền tảng tạo ra sự căng thẳng, như tư duy cầu toàn và những niềm tin tiêu cực khác.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM