Từ những con thú bị nạn thành các sản phẩm thời trang cao cấp

18/07/2015 13:30 PM |

Với nhiều người, những con thú bị cán chết khi băng qua đường trông thật tội nghiệp và... đáng sợ, còn với Pamela Paquin, đó lại là công việc “hái ra tiền”.

Cô đã biến những con thú trong các vụ tai nạn này thành những món hàng thời trang cao cấp đắt tiền.

Pamela Paquin, nhà sáng lập của Petite Mort Fur, hiện đang bán những món đồ như miếng quàng cổ làm từ da sói đồng cỏ Mỹ (1.500 USD), khăn choàng vai làm từ da loài cáo đỏ (2.000 USD) và tất giữ ấm cho chân làm từ da gấu trúc Mỹ (2.000 USD). Ngoài những món đắt tiền trên, cô cũng có bán một số món rẻ hơn như bộ đeo tai làm từ lông thú (45 USD).

Mục đích của cô là nhằm tạo ra một thị trường mới cho cái mà cô gọi là “sử dụng lông thú có đạo đức”.

Theo Hiệp hội nhân đạo Mỹ, có gần 1 triệu con thú bị cán chết trên đường mỗi ngày. Và theo tổ chức Last Chance for Animals (Cơ hội cuối cùng cho loài vật), có trên 50 triệu con bị giết trong ngành công nghiệp lông thú mỗi năm.

Và đó là nơi Paquin nhìn thấy được cơ hội.

“Đó là một nguồn tài nguyên bị lãng phí và sau khi suy nghĩ kĩ, tôi đã quyết định rằng tôi có thể tạo dựng một doanh nghiệp thành công từ điều này,” cô cho biết. Cô cũng hi vọng rằng mình “sẽ làm giảm hoàn toàn nhu cầu nuôi thú” của nhiều người.

Thế là cô bắt đầu làm việc với các nhân viên chịu trách nhiệm dọn dẹp xác thú bị cán chết trên đường. “Trước tiên tôi cộng tác với sở quản lý đường cao tốc tại thành phố Boston và các nhân viên kiểm soát thú vật của họ. Mỗi khi có thú bị cán chết họ sẽ báo cho tôi biết,” cô nói.

Giờ đây, mỗi khi được gọi, cô tự mình lái xe xuống gom xác thú vật, và nếu có thể, cô sẽ lột da chúng ngay tại nơi đó.

“Tôi thích để lại những phần còn lại trong rừng cho những con thú khác dùng làm thức ăn. Như thế sẽ an toàn cho chúng hơn là phải băng qua đường tìm thức ăn và có thể sẽ mất mạng.”

Tiếp theo, Paquin sẽ chuyển lông thú đó đến xưởng thuộc da. Sau đó, cô làm ra những món hàng “độc nhất vô nhị”. Mỗi món hàng sẽ được gắn kèm theo một miếng thẻ bạc cho biết đó là loài thú gì, cùng với địa điểm và thời gian chúng bị chết. Chẳng hạn như một miếng quàng cổ có kèm theo thông tin cho biết nó được làm từ lông một chú gấu bị tai nạn trên đường 91 ở Brattleboro, Vermont.

"Đó là một cách để khách hàng tôn trọng thú vật và cuộc sống của chúng thay vì không đề cập tới vì đó là nguồn lông họ lấy từ thú nuôi hay bị bẫy,” cô bày tỏ ý kiến.

Paquin mặc những thứ do mình tạo ra và cho biết rằng mọi người thường chặn cô ấy lại để hỏi lông thú ấy có nguồn gốc từ đâu.

“Khi tôi bảo họ rằng chúng là từ những con thú bị nạn trên đường, họ tròn mắt ngạc nhiên,” Paquin nói. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn họ đặt hàng của cô ấy.

“Tôi không thể may đủ nhanh. Đơn hàng nhiều hơn khả năng làm việc của tôi. Tôi đang cố gắng làm cho kịp.”

Khi còn bé, Paquin lớn lên quanh những con thú và sống ở nông trại. Lúc cô học lớp 6, giáo viên sinh vật của cô hỏi liệu ai đó có thể mang một con thú bị tai nạn trên đường đến cho cả lớp học giải phẫu không, Paquin vui vẻ xung phong.

Không ngờ, điều đó đã theo cô suốt cuộc đời.

“Nếu tôi được hưởng lợi từ cuộc đời và cái chết của một con thú thì tôi cần phải nhìn thẳng vào điều đó, không việc gì phải xấu hổ và bảo đảm rằng nó đang được làm tốt và với sự tôn trọng,” cô thẳng thắn chia sẻ.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM