Khởi nghiệp không chỉ là gọi vốn, để kiếm được tiền startup phải trải qua chặng đường gian nan sau
Gọi được vốn chỉ là khởi đầu, chặng đường khởi nghiệp còn nhiều gian nan mà bạn chưa biết.
Giới khởi nghiệp Việt Nam từ hôm qua bất ngờ với thông tin Đào Chi Anh- người sáng lập chuỗi cà phê The KAfe. Trên trang facebook cá nhân, CEO The KAfe cho biết từ 25/10 cô không còn tham gia vào hoạt động kinh doanh của The KAfe cũng như KAfe Group.
Cách đây tròn 1 năm, tháng 10 năm 2015, Đào Chi Anh gây tiếng vang lớn trong cộng động startup khi gọi vốn thành công tới 5,5 triệu USD. Thời điểm đó, cô cũng chia sẻ khá nhiều dự định phát triển cho chuỗi nhà hàng The KAfe, từ việc mở rộng ra Sài Gòn, nước ngoài và thậm chí là xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín.
Tuy nhiên gọi được vốn chỉ là khởi đầu của một quá trình còn rất gian nan trên chặng đường khởi nghiệp.
Giai đoạn 1: Thai nghén ý tưởng
Một cá nhân sở hữu toàn bộ cái ý mà họ tưởng là vĩ đại và khát khao tạo ra giá trị, thay đổi xã hội. Ý tưởng này có thể đến từ bất kỳ ngành nghề, công việc nào miễn là có nhu cầu.
Giai đoạn 2: Tìm đối tác
Để thực hiện ý tưởng, nhà sáng lập cũng cần tìm người ngồi cùng thuyền để đi đến đích. Họ chia đều sở hữu trong công ty, dù công ty chưa có giá trị gì.
Giai đoạn 3: Các giai đoạn đầu tư
Ươm mầm: Hay F&F (gia đình và bạn bè). Anthony Tan, đồng sáng lập Grab kể khi anh chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, mẹ anh nói: "Mẹ chả hiểu con định làm gì, nhưng tiền đây." Số tiền từ vòng này có thể nhỏ thôi, nhưng là tấm vé quý giá giúp người sáng lập đặt chân lên tàu, bắt đầu hành trình cam go.
Đầu tư thiên thần: Nhà đầu tư thường là các doanh nhân, hoặc lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, có đủ tiền, tâm lý vững vàng và kinh nghiệm phù hợp, nhưng cũng có thể là các quỹ đầu tư. Họ có thể đầu tư từ 10 nghìn đến 100 nghìn USD và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn để kỳ vọng thu về gấp tới 50 lần số tiền bỏ ra. Số tiền có thể dùng để nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mẫu. Nhà sáng lập sẽ giảm sở hữu công ty nhưng giá trị lại tăng lên.
Tại Việt Nam tuy chưa có luật về nhà đầu tư thiên thần nhưng giới startup không xa lạ với những cái tên như Đỗ Hoài Nam, Nguyễn Hòa Bình, Vũ Duy Thức, Đinh Anh Huân,…
Các vòng đầu tư mạo hiểm: Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đầu tư khoảng 500 nghìn USD đổi lấy cổ phiếu ưu đãi và kiểm soát công ty
- Series A: Số tiền đầu tư thường khoảng 3-7 triệu USD, giúp công ty tìm ra mô hình kinh doanh tốt nhất cho công ty mình và vượt qua trở ngại để đưa sản phẩm ra thị trường.
Năm 2015, sau 2 năm thành lập, The KAfe của Đào Chi Anh gây tiếng vang trong giới khởi nghiệp khi gọi được vốn đầu tư 5,5 triệu USD từ Cassia Investments. Hay dự án Vntrip.vn trong năm 2016 mới đây nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ nhà đầu tư John Wu.
- Series B: Tiền để mở rộng thị trường từ 7-50 triệu USD. Một số dự án khởi nghiệp nhận được vốn loại series này có thể kể đến như GotIt nhận được 9 triệu USD từ quỹ Capricorn hồi tháng 5 năm 2016, M_Service (sở hữu Momo) nhận được 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs, Cốc Cốc nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD năm 2015 từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda Media.
- Series C: Giai đoạn tăng trưởng nhanh. Năm 2015, Foody thông báo nhận thêm khoản đầu tư series C từ Tiger Global Management. Đây là lần thứ 4 Foody gọi vốn thành công sau khi nhận vốn đầu tư giai đoạn đầu từ CyberAgent Ventures năm 2012, tiếp theo là lần rót vốn tiếp của CyberAgent Ventures và Garena.
Giai đoạn 4: Các kịch bản tiếp theo
- Sản phẩm rất tốt, nếu có lợi nhuận. IPO. Nhà đầu tư và nhà sáng lập cùng hài lòng khi cổ phiếu biến thành tiền thật, rất nhiều tiền. Thời gian cần 5-10 năm.
- Có tiềm năng tốt, chỗ đứng. Một công ty lớn hơn mua lại. Tin tốt.
- Hết tiền, không ai đầu tư tiếp. Đóng cửa. Mất tiền.