Khó khăn chồng chất, CEO AirAsia vẫn tự tin khẳng định sẽ sớm phục hồi và có lãi trong năm 2021
Trước đó, AirAsia bị công ty kiểm toán EY bày tỏ lo ngại về khả năng sống sót trong tương lai.
AirAisa, một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu ở châu Á tự tin rằng họ có thể sớm phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và có lãi vào năm tới. Đây là khẳng định được CEO công ty là Tony Fernandes vừa chia sẻ với tờ CNBC.
Mục tiêu đó "nghe có vẻ lạc quan thái quá nhưng tôi từng trải qua rất rất nhiều khủng hoảng trước đây rồi", ông Tony khẳng định.
Vị CEO này giải thích rằng các nhà chức trách châu Á đã thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm đối phó với Covid-19 và điều đó sẽ giúp ngành công nghiệp hàng không trong khu vực phục hồi theo cách thức "bền vững hơn rất nhiều".
"Tôi nghĩ rằng điều đó mang lại cho tôi rất nhiều sự tự tin với những tuyên bố lạc quan của mình".
Các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 gồm cả đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã khiến nhu cầu du lịch đột ngột bị ngưng trệ gần như hoàn toàn. Các hãng hàng không trên khắp thế giới rơi vào tình trạng khó khăn tài chính chưa từng thấy và nhiều nơi phải cắt giảm việc làm cũng như cầu cứu chính phủ.
AirAir cũng không phải ngoại lệ. Vào tháng này, hãng đã báo cáo khoản thua lỗ 803,8 triệu ringgit (188,4 triệu USD) trong quý kết thúc vào tháng 3/2020. Đây là mức thua lỗ quý lớn nhất của họ kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Malaysia vào tháng 11/2004.
Tuần trước, hãng kiểm toán EY đã công bố báo cáo bày tỏ nghi ngờ về tương lai của AirAsia trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, ngay lập tức cổ phiếu công ty đã giảm 17,5%.
Cụ thể, báo cáo của EY chỉ ra rằng nợ phải trả hiện tại của AirAsia đã vượt quá tài sản tới 1,84 tỷ ringgit (430 triệu USD) tính tới cuối năm 2019. Cũng trong năm này, hãng công bố khoản lỗ ròng 283 triệu ringgit. Việc du lịch bằng đường hàng không gần như ngưng trệ cộng với tình hình tài chính của AirAsia "chỉ ra sự tồn tại của những vấn đề bất trắc làm dấy lên những mối nghi ngờ đáng kể về tập đoàn này và khả năng công ty tiếp tục sống sót của hãng", E&Y nói trong tuyên bố.
Bản thân CEO Tony cũng thừa nhận: "Đây là thách thức lớn chưa từng có mà chúng tôi phải đối mặt kể từ khi bắt đầu kinh doanh vào năm 2001".
Trả lời phỏng vấn tờ CNBC, ông Tony chia sẻ rằng phía đơn vị kiểm toán đưa ra "quan điểm rất công tâm" nhưng hãng bay của ông vẫn đang thực hiện tốt việc huy động vốn cần thiết để đảm bảo cho sự sống sót trong tương lai. Vị này cũng bổ sung rằng nhiều nguồn vốn sẽ đến dưới dạng khoản vay của chính phủ hoặc cũng có thể là nợ.
CEO Tony cho biết, lượng tiền mà AirAsia đang kỳ vọng huy động được "đang đi đúng hướng" và rằng ông "rất thoải mái khi nhận được 1 tỷ ringgit, càng tốt hơn nữa khi nhận được 2 tỷ ringgit".
Hiện tại AirAsia đã khôi phục một vài chuyến bay trong đó 50% các chuyến bay nội địa ở Malaysia và sẽ sớm khởi động lại đường bay tới Singapore khi chính phủ 2 bên đạt được thỏa thuận.
"Năng suất sẽ giảm nhưng giá sẽ tăng. Theo một cách nào đó, biên lợi nhuận sẽ tốt hơn so với giai đoạn trước dịch. Dù năng suất sẽ phải mất một thời gian để khôi phục như trước kia, nhưng khả năng sinh lợi sẽ cao hơn nhiều".