Khe hở lớn nhất gây thất thoát khi cổ phần hóa

30/03/2018 08:02 AM | Xã hội

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, xác định giá trị doanh nghiệp (DN) là một vấn đề quan trọng, là tiền đề then chốt cho việc thực hiện cổ phần hóa sau này. Song việc thực hiện vẫn còn lúng túng, tùy tiện, sơ hở, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Định giá 13 DN, thu về 30 nghìn tỷ đồng

Ngày 29/3, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức tọa đàm về kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi công bố giá trị DN cổ phần hóa. Theo ông Hồ Đức Phớc, xác định giá trị DN là một vấn đề quan trọng, là tiền đề then chốt cho việc cổ phần hóa sau này. Song việc thực hiện vẫn còn lúng túng, tùy tiện, sơ hở, gây thất thoát tài sản nhà nước. Ngoài ra, hệ thống văn bản cũng chưa được hoàn thiện, điển hình như việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá trị thương hiệu, hay việc định giá tài sản theo giá thị trường…

Theo Tổng KTNN, năm 2001, cả nước có khoảng 6 nghìn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay chỉ còn khoảng 600. Đáng lưu ý, tình trạng cổ phần hóa lại gây thất thoát rất lớn. Một số tập đoàn kinh tế, DN lớn, nhiều khu đất vàng rơi vào tay tư nhân, địa tô chênh lệch từ khu đất vàng ấy chạy vào túi tư nhân. Trong khi đó, từ năm 2016 KTNN mới được giao tiến hành xác định giá trị DN. Theo ông Phớc, nếu việc này được triển khai sớm hơn thì chắc chắn sẽ chặn đứng được dòng chảy thất thoát tài sản nhà nước.

Năm 2016, KTNN xác định giá trị của 7 DN, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Sang năm 2017, KTNN tiếp tục làm tại 6 DN và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi DN làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm

toán lại.

Để ngăn chặn thất thoát, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc lựa chọn phương pháp định giá trước khi cổ phần hóa cũng là một vấn đề quan trọng. “Tính tiền giao đất lâu dài hay cho thuê đất nộp tiền một lần, hay nộp hằng năm thì có chặn đứng được dòng chảy thất thoát không? Chắc là không, vì hôm nay định giá trăm tỷ, nhưng ngày mai chuyển mục đích sử dụng có thể lên hàng nghìn tỷ. Vậy việc này là thế nào, có lọt vào tay tư nhân không?”, ông Phớc nêu vấn đề.

Theo Tổng KTNN, thuê đất hay giao đất, nộp tiền một lần hay hằng năm không cần định giá, như vậy thì phải kiến nghị, bổ sung quy định pháp luật. Từ đó, DNNN thuê đất, sử dụng đất thì khi chuyển qua công ty cổ phần, thậm chí tư nhân vẫn thuê đất và giữ nguyên mục đích sử dụng đất như trước. Nhưng khi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất trụ sở, đất kinh doanh sang đất ở, đất đô thị thì nhà nước phải thu hồi và tổ chức đấu giá, đấu thầu công khai. Ai trúng thầu, người đó trả lại tài sản cho nhà nước, tiền địa tô chênh lệch, tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách.

“Nếu áp dụng biện pháp này sẽ không còn thất thoát. Tuy nhiên, phải hạn chế tình trạng đấu thầu giả, hay nói cách khác là đấu thầu kiểu “xã hội đen, xã hội đỏ” can thiệp vào để làm sai lệch quá trình đấu thầu”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.

Tính đầy đủ giá trị lợi thế của đất

Theo ông Lê Thanh Tùng, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI, hiện đơn vị này đã hoàn thành phát hành báo cáo kiểm toán của 11/11 DN, xác định giá trị vốn nhà nước tăng lên hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng thu nộp ngân sách nhà nước 932 tỷ đồng. Nguyên nhân là còn nhiều sai sót trong định giá và xử lý tài chính.

Đáng lưu ý, trong xử lý tài chính, còn tình trạng kiểm kê sót tài sản, hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Điển hình như Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn kiểm kê, xác định thiếu 1 nhà kho. Rồi việc định giá tài sản nhà cửa vật kiến trúc, ở một số đơn vị không tuân thủ ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá.

Khắc phục bất cập trên, KTNN chuyên ngành VI đề nghị phải sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đối với các nghị định của Chính phủ, Thông tư 127/2014/TT-BTC, cần qui định thống nhất, cụ thể về áp dụng thời điểm thực hiện xác định giá trị DN, thời điểm tổ chức thực hiện xác định giá trị DN, thời điểm xác nhận giá trị DN để thống nhất trong

thực hiện.

Kiểm toán viên KTNN khu vực I Lê Thị Hồng Hạnh cho rằng, cần lưu ý xác định giá trị đất đai để xác định giá trị DN. Thực tế nhiều DN đang được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng giá trị DN lại “bèo bọt”.

Hậu cổ phần hóa, các cổ đông có thể hưởng một khoản chênh lệch lớn nếu như DN được cấp sổ đỏ và lợi thế quỹ đất này chắc chắn rơi vào túi các cá nhân. Như vậy, cổ phần hóa mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Từ những bất cập trên, KTNN khu vực I cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về việc xác định giá trị thương hiệu, nhất là những thương hiệu đã hình thành từ nhiều năm. “Để tránh thất thoát tài sản nhà nước, một trong những vấn đề đặt ra là phải tính đầy đủ giá trị lợi thế của đất đai khi cổ phần hóa DNNN. Khi nhà nước định giá đất để DN nói chung, DN cổ phần hóa nói riêng thuê đất phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường”, bà Hạnh nêu kiến nghị.

"Tính tiền giao đất lâu dài hay cho thuê đất nộp tiền một lần, hay nộp hằng năm thì có chặn đứng được thất thoát không? Chắc là không, vì hôm nay định giá một vài tỷ, nhưng ngày mai chuyển mục đích sử dụng có thể lên hàng nghìn tỷ. Vậy việc này thế nào, có lọt vào tay tư nhân không?".

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Theo Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM