TS. Nguyễn Đình Cung: “Cổ phần hóa bây giờ bán đắt thì nhà đầu tư không mua, bán rẻ lại bảo là mất mát tài sản nhà nước”
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có 3 yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, việc thoái vốn phụ thuộc rất lớn vào 2 yếu tố đã được nhắc đến rất nhiều từ nhiều năm nay.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm và chưa thật thực chất. Để đẩy nhanh quá trình này cần phải tiến hành 2 việc:
Thứ nhất, buộc DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Những doanh nghiệp thua lỗ phải phá sản. Nhà nước không thể tốn thêm nguồn lực để đổ vào những dự án kém hiệu quả. Việc dùng nguồn lực nhà nước hay bắt các doanh nghiệp khác cùng gánh vác doanh nghiệp yếu kém chỉ càng khiến doanh nghiệp yếu thêm.
“Vinashin, Vinalines,... những nguồn lực kém hiệu quả này cần được sử dụng có hiệu quả hơn bằng cách chuyển đi chỗ khác. Có thể là sắt vụn nhưng được chuyển đi chỗ khác chứ không phải sắt vụn ở chỗ sắt vụn. Mọi người nhìn vào đó cũng thấy rằng, nếu không thành công thì sẽ như thế và họ sẽ thay đổi ứng xử, động lực chứ không chờ đợi. Thay đổi đó mới là thay đổi căn bản, nhưng chúng ta chưa dứt khoát” – ông Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Thứ hai, công tác quản trị DNNN phải tuân theo chuẩn mực toàn cầu. Khi đó, thông tin được minh bạch và thị trường sẽ đánh giá. Nhà đầu tư cũng dễ dàng bỏ vốn vào doanh nghiệp hơn khi họ có thể hiểu doanh nghiệp. Lấy ví dụ về Vietnam Airlines, ông Cung cho rằng, cổ phiếu của hãng hàng không này đã bán được giá cao sau thời gian 3-4 năm để thay đổi quản trị nhằm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
“Nếu chỉ loay hoay thoái vốn cổ phần hóa mà không thay đổi hai cái này thì nguy cơ bán rẻ rất lớn, mà bán đắt thì không ai mua bởi vi người ta không tin. Nhưng nếu như mình minh bạch, chứng minh được khả năng trong tương lai lớn thì bán đắt người ta vẫn mua vì người ta nhìn thấy lợi nhuận. Còn bây giờ, bán đắt một tý thì nhà đầu tư không mua, bán rẻ thì lại bảo mất mát tài sản. Cho nên quá trình thoái vốn được đẩy nhanh hay không, phụ thuộc vào cả 2 yếu tố nói trên, bằng không sẽ cứ tiếp tục chậm” – ông Nguyễn Đình Cung nói.
Về phía nhà đầu tư, lơi nhuận bao giờ cũng là mục tiêu tìm kiếm của họ. Nhưng lợi nhuận đó phải có được trên cơ sở sự phát triển của doanh nghiệp, khi mang đến sản phẩm dịch vụ tốt cho người tiêu dùng. Nhà đầu tư mua sẽ mua cổ phần doanh nghiệp sẵn có trên thị trường và mở rộng thêm. Điều này có lợi cho họ khi không phải thành lập mới doanh nghiệp.
Theo Viện trưởng CIEM, trong trường hợp cổ phần hóa Vietnam Airlines, nhà đầu tư đã thấy được một thị trường hàng không đang lớn mạnh, và hãng hàng không quốc gia Việt Nam là một doanh nghiệp đã kinh doanh lâu nay trên thị trường đó. Nhà đầu tư có thể thâm nhập thị trường hàng không Việt Nam mà không cần thành lập một doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, để có thành công trong quá trình cổ phần hóa, phía Vietnam Airlines đã mất rất nhiều công sức để thay đổi chính mình và tìm nhà đầu tư chiến lược phù hợp.