Kể từ năm 2015, Trung Quốc vượt xa Mỹ về các khoản đầu tư cho công nghệ 5G, Mỹ mà muốn đuổi theo cũng khó
Khoảng cách giữa 2 quốc gia này đã lên tới 24 tỷ USD. Mỹ mà muốn đuổi theo cũng sẽ không dễ dàng gì.
Trong những năm gần dây, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ đến 24 tỷ USD trong lĩnh vực công nghệ internet di động thế hệ tiếp theo, được gọi là 5G. Theo nghiên cứu của Deloitte, khoảng cách này có thể tạo ra một "cơn sóng thần" mà Mỹ sẽ khó có thể đuổi theo kịp.
5G sẽ cho phép người dùng tải phim và stream video băng thông cao cho các công nghệ như thực tế ảo (VR). Tuy nhiên, ngoài các ứng dụng cho người tiêu dùng, công nghệ này cũng có thể hỗ trợ các cơ sở hạ tầng được kết nối internet ở các thành phố, bao gồm cả xe hơi không người lái. Trong năm 2035, 5G được dự kiến là sẽ tạo ra 12,3 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế toàn cầu, theo IHS Markit ước tính trong một báo cáo gần đây.
Vì thế, không có gì là đáng ngạc nhiên khi giữa các quốc gia đang chạy đua với nhau để thống trị công nghệ này. Và nó đã trở thành một yếu tố trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại.
Vào thời điểm này, có vẻ như Trung Quốc đang chi tiêu mạnh tay hơn cho công nghệ này.
Kể từ năm 2015, họ đã bỏ ra nhiều hơn Mỹ đến 24 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng 5G, theo nghiên cứu của Deloitte cho thấy. Báo cáo của Deloitte cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD cho các chi tiêu liên quan đến 5G.
Và sẽ rất khó cho Mỹ để có thể đuổi kịp các khoản đầu tư của Trung Quốc. Deloitte ước tính rằng các thiết bị cần thiết để bổ sung thêm một nhà mạng tại Trung Quốc tốn ít hơn khoảng 35% so với ở Mỹ. Điều này cho thấy Washington sẽ cần phải chi trả gấp 2,67 số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để có thể tạo ra một dung lượng mạng không dây tương đương với Trung Quốc.
Deloitte báo cáo: "Trung Quốc và các quốc gia khác có thể đang tạo ra một cơn sóng thần 5G, khiến cho việc đuổi kịp là gần như không thể."
Deloitte khuyên Hoa Kỳ nên đưa ra "khung chính sách nhẹ hơn" để giúp làm giảm bớt thời gian triển khai thiết bị cần thiết cho 5G. Deloitte cũng cho biết các nhà mạng điện thoại và các đối tác khác cần phải hợp tác với nhau nhiều hơn nữa. Họ khuyến khích tạo ra một "cơ sở dữ liệu hạ tầng truyền thông quốc gia" để giúp chia sẻ các dữ liệu giữa các bên khác nhau.
Tham khảo CNBC