"Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không còn nói về chi phí lao động, mà phải bàn về chi phí nhân tài"

07/08/2018 15:43 PM | Kinh doanh

20 năm trước, hãng sản xuất phụ tùng xe đạp toàn cầu SRAM có doanh thu khoảng 50 triệu USD, với 6.000 công nhân. Nay SRAM trở thành DN có doanh thu 6 tỷ USD, và nhân công chỉ 2.600 người. GS. Chen-Ching Ting lấy ví dụ và chia sẻ nhận định: Trong thời đại công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ không còn nói về chi phí lao động, mà phải bàn về chi phí nhân tài.

Ngày 7/8, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đối với giáo dục đại học".

Tới dự Hội thảo có GS. TS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội; TS. Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; GS. Trần Thọ Đạt Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân; ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh Hải Dương cùng nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhiều lĩnh vực, bao gồm các ngành đầu tư, thương mại và kinh doanh, giáo dục và dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều các nghiên cứu hay hội thảo khoa học thảo luận về cách mà giáo dục đại học phải ứng biến với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được tổ chức tại Việt Nam.

GS. Chen-Ching Ting - đại diện của ĐH Công nghệ Quốc gia Đài Bắc cho rằng: Với nền giáo dục truyền thống, luôn tồn tại một khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo trên giảng đường và nhu cầu thực tế của ngành/doanh nghiệp.

Nhưng trong cách mạng công nghiệp 4.0, với sự trợ lực của công nghệ mới, khoảng cách giữa giáo dục đào tạo và nhu cầu thực tế sẽ được rút ngắn.

"Trong thời đại này, chúng ta không còn nói về chi phí lao động, mà phải bàn về chi phí nhân tài", GS. Ting khẳng định.

GS. Ting cũng lấy ví dụ về trường hợp của hãng sản xuất phụ tùng xe đạp toàn cầu SRAM. 20 năm trước, SRAM có doanh thu khoảng 50 triệu USD, với 6.000 công nhân. Đến năm 2017, SRAM trở thành DN có doanh thu 6 tỷ USD, và nhân công chỉ 2.600 người.

Chia sẻ về nền giáo dục của Đài Loan, TS. Shuo-Yan Chou - GĐ Trung tâm Internet Vạn vật và sáng tạo đổi mới (Center for IOT Innovation), ĐH Quốc gia về Khoa học Công nghệ Đài Loan, cho biết nền giáo dục của Đài Loan hiện đang tập trung vào lĩnh vực "machine learning" và "problem solving" (kỹ năng xử lý tình huống).

Thay vì việc chỉ tập trung vào kỹ năng làm việc của con người và giữa con người với con người, nền giáo dục của vùng lãnh thổ này cũng tập trung vào việc giáo dục làm sao để con người làm việc chung với robot và máy móc.

Các học giả tham dự hội thảo đều cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi rất nhiều ngành công nghiệp trong tương lai và các tổ chức giáo dục đại học sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi mới của thị trường lao động.

Hội thảo lần này tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính:

- Giáo dục phải làm gì để ứng phó với cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Cách mạng 4.0: Cơ hội và thách thức đối với các tổ chức giáo dục;

- Liên kết giữa các tổ chức giáo dục và phía sử dụng lao động trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dưới góc nhìn của phía sử dụng lao động.

Anh Thu

Cùng chuyên mục
XEM