Indonesia: Đầu cơ nông sản là phạm pháp, những kẻ thao túng giá ớt bị gọi là Mafia
Bạn đã bao giờ nghe đến Mafia ớt chưa? Vâng, đó là tên mọi người đặt cho một nhóm người bán sỉ đang thao túng loại gia vị được yêu thích nhất ở Indonesia và Ngân hàng trung ương nước này đang cố gắng để đàn áp nhóm mafia này.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây lại là câu chuyện có thật. Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đang phối hợp với cảnh sát để chống lại các hoạt động tội phạm đe dọa đến nền kinh tế của nước này. Thách thức đầu tiên với BI là chống lạm phát và những loại tội phạm như "mafia ớt" đang ảnh hưởng đến giá thực phẩm, yếu tố chính làm tăng giá tiêu dùng.
Bởi vậy, khi giá loại thực phẩm này tăng lên mức kỷ lục 200.000 Rupiah (15 USD)/kg vào tháng 2/2017, cao gấp 3 lần so với mức bình thường, chính phủ Indonesia đã vào cuộc để điều tra.
Chống tội phạm ớt
Giám đốc cơ quan RICT (chuyên phối hợp giữa các cơ quan gồm BI, cảnh sát, các bộ ngành khác như thủy sản, nông nghiệp... để chống lạm phát), ông Sayid Fadli nhận định hiện tượng này là một loại tội phạm dây chuyền trong mảng phân phối
Cuộc điều tra nhanh chóng khiến cảnh sát bắt giam 4 người liên quan đến việc đầu cơ giá ớt với tội danh lừa đảo.
Chuẩn tướng General Agung Setya, giám đốc điều tra tội phạm kinh tế đặc biệt của Cảnh sát Quốc gia nhận định những vụ việc như thế này sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực trong xã hội và là vấn đề kinh tế nghiêm trọng ở Indonesia.
Nguyên nhân cho sự nghiêm túc trên là việc Indonesia hạn chế nhập khẩu lương thực nhằm bảo hộ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên những vụ mùa thất thường không đáng tin cậy và khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm quanh nhiều hòn đảo với cơ sở hạ tầng nghèo nàn khiến buôn lậu và thao túng giá cả, đầu cơ liên tục diễn ra ở nước này.
Trong vụ mafia ớt, các thương lái đã không bán loại nông sản này ra thị trường mà cho một công ty sản xuất bao bì thực phẩm, vốn không liên quan gì đến ngành này. Phía cảnh sat từ chối tiết lộ thông tin của công ty thu mua này cũng như danh tính của những người bị bắt giữ.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết chính phủ Indonesia đã có những tiến bộ trong việc cải thiện mức sống người dân suốt 20 năm qua. Dẫu vậy, khoảng 50% trong số 260 triệu người dân nước này vẫn sống dưới mức tiêu chuẩn nghèo khổ và họ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá thực phẩm bị đẩy lên cao.
Ngoài ra, việc lạm phát tăng cao khiến BI bị giới hạn trong việc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Hiện hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng BI vẫn sẽ phải giữ mức lãi suất không đổi trong cuộc họp tới đây.
Tháng 4 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Indonesia đã tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước. mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua và có khả năng vượt mức kế hoạch 5% đã đề ra của chính phủ.
Tình hình hiện nay càng trở nên tồi tệ hơn khi tháng lễ ăn chay của người đạo Hồi đang đến gần. Trong thời gian này, rất nhiều người Hồi giáo địa phương sẽ tích trữ lương thực để sử dụng khi kết thúc ngày ăn chay vào buổi chiều tối, qua đó đẩy giá lương thực và lạm phát đi lên.
Tại Indonesia, tương ớt là loại thực phẩm có ảnh hưởng khá lớn đến lạm phát lương thực. Chúng được sử dụng rộng rãi từ nhà hàng cho đến quán ăn vỉa hè do khẩu vị thích ăn cay của người dân.
Vùng Balikpapan của Indonesia là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất do nền kinh tế ở đây suy giảm nghiêm trọng. Nguyên do là kinh tế khu vực này phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ và than đá, vốn giảm giá mạnh trong thời gian qua.
Phó giám đốc văn phòng BI tại Balikpapan, ông Suharman Tabrani cho biết việc ớt tăng giá đã tác động mạnh đến lạm phát nơi đây.
“Người Indonesia chúng tôi phải ăn ớt mỗi ngày. Thậm chí chúng tôi ăn ớt cả vào bữa sáng”, ông Tabrani nói.
Hiện Balikpapan đang phải mua 89% ớt và 98% gạo của họ từ đảo chính Java và các hòn đảo khác ở Indonesia.
Tự cung tự cấp
Trước thực trạng trên, BI đã cố gắng sử dụng nhiều biện pháp nhằm chống tình trạng lạm phát lương thực. Ngoài việc hợp tác với cảnh sát nhằm chống các mafia buôn lậu nông sản, đầu cơ lương thực, BI còn đang dạy người dân trồng trọt sao cho hiệu quả hơn.
Những nhân viên của BI khảo sát để tìm khu vực thích hợp trồng trọt nhất cho từng loại cây, trong khi họ thậm chí còn mua cả những con cú cho người dân để chống lại những con chuột cắn hoa màu.
Hiện BI đã có khoảng hơn 500 chi nhánh RICT trải khắp đất nước. Ngoài nhiệm vụ điều tra những hành vi đầu cơ lương thực, các nhóm này còn thu thập dữ liệu gửi về trụ ở ở thủ đô Jakarta nhằm tổng hợp đưa ra các chính sách kinh tế, tiền tệ phù hợp.
Bên cạnh đó, các công chức địa phương cũng phân phát miễn phí hạt giống cho người dân và dạy họ về khái niệm lạm phát nhằm hạn chế tình trạng bị thương lái lừa. Thậm chí quân đội cũng tham gia sản xuất trồng trọt ớt bởi thời kỳ này không có chiến tranh.
Không chỉ có ớt, những mặt hàng nông sản khác như thịt bò, gia cầm, tỏi cũng nằm trong diện theo dõi của các cơ quan giám sát giá cả.
Năm 2016, khoảng 32 nhà nhập khẩu gia súc đã bị thanh tra và phát hiện tích trữ thịt sau khi giết mổ. Hiện chính phủ đang nhắm vào mảng đường mía dù hiện chưa có thông tin chính thức về các vụ bắt giữ nào.