'Giải cứu' ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ và dài hạn?
Trong buổi họp báo thông báo về sự kiện Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, vấn đề nóng về 'giải cứu thịt lợn', với những giải pháp dài hạn được các nhà báo đặt ra cho đại diện các bộ, ngành.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 - một sự kiện lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tổ chức chỉ trong vòng 1 tuần nữa. Hôm qua ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức một buổi họp báo giới thiệu về sự kiện này tới đông đảo báo giới
Tuy nội dung của buổi họp báo đa phần liên quan đến khu vực tư nhân và các hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, các câu hỏi được các nhà báo tham dự đặt ra vượt ra ngoài cả khuôn khổ này. "Giải cứu ngành chăn nuôi lợn" - vấn đề nóng trong thời gian qua, tất nhiên cũng được nhắc đến.
Một câu hỏi được đặt ra rằng dường như các cơ quan Nhà nước mới chỉ có những hỗ trợ trước mắt bằng biện pháp hành chính cho ngành chăn nuôi lợn, chứ vẫn chưa có những chính sách căn cơ cho phát triển cho toàn ngành này.
Có mặt tại buổi họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện Văn phòng Chính phủ đã có những trả lời cho các phóng viên. Được biết, đây là lần đầu tiên, các cơ quan này đưa ra những câu trả lời về những giải pháp dài hạn, căn cơ cho ngành chăn nuôi lợn.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Hồ Sĩ Hùng đã trả lời rằng việc hỗ trợ một số lĩnh vực như chăn nuôi bằng các giải pháp tình huống như hỗ trợ tiêu thụ, kêu gọi tiêu thụ bằng hành chính vừa qua dù là ngắn hạn nhưng vẫn phải có. Trong những tình huống cấp bách, những chính sách như vậy là cần thiết hơn tất thảy.
Về các giải pháp căn cơ để phát triển ngành này, việc giải quyết tình trạng phụ thuộc vào việc nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc được vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chỉ ra như một giải pháp quan trọng.
Hiện nay, Nhà nước cũng đang xúc tiến để tạo ra một thị trường chính ngạch cho xuất khẩu thịt lợn. Tuy vậy, theo ông Hà, tạm thời thì toàn ngành mới chỉ có thể có những sự giải quyết như hiện nay bởi lẽ để có thị trường chính ngạch cần thời gian, không thể nào dùng biện pháp hành chính tác động một cách cơ học lên thị trường.
"Hỗ trợ căn cơ lâu dài là đưa ra các con số, xu hướng để từ đó người kinh doanh tự đưa ra các quyết định về mục tiêu kinh doanh chứ không phải nhà nước chỉ ra các định mức sản xuất" - ông Hồ Sỹ Hùng góp ý.
Lấy ví dụ là chính trường hợp ngành chăn nuôi lợn, ông Hùng cho rằng các cơ quan hải quan đều có thông tin, số liệu xuất nhập khẩu của ngành hàng qua cửa khẩu.
Từ những số liệu, các cơ quan này có thể nhìn thấy trước được xu hướng của thị trường, từ đó liên kết các thông tin để định hướng thị trường, đưa ra các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho người nông dân. Theo ông Hùng, đây chính là điều mà thị trường và các doanh nghiệp cần ở các cơ quan Nhà nước.
Nhiều ngày trước, câu chuyện về lợn đã trở nên rất nóng trên mặt báo, khi mà người nông dân đã phải cầu cứu vì giá lợn xuất chuồng bán quá rẻ, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua lợn hơi với giá cao.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ông Hà Công Tuấn đã cam kết cân bằng cung - cầu trên thị trường thịt lợn sẽ trở nên cân bằng trong từ 2 - 3 tháng tới.