“Giải cứu lợn là chuyện cực chẳng đã”

08/05/2017 11:10 AM | Xã hội

Góc nhìn từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lời kêu gọi cả nước chung tay giải cứu giá thịt lợn...

Việc mất cân đối cung - cầu khiến giá lợn hơi giảm sâu thời gian gần đây tại Việt Nam, đẩy nhiều người nuôi rơi vào thua lỗ. Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể cùng người dân vào cuộc chung tay giải cứu giá thịt lợn.

Như vậy, sau thanh long, dưa hấu, hành tím..., bây giờ đến lợn. Những cuộc giải cứu nông sản triền miên từ năm này sang năm khác, như một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp.

Về câu chuyện này, trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nói:

- Một số nông sản của chúng ta có những lúc được mùa thì mất giá. Chúng ta đã có bài học với dưa hấu, hành tỏi..., gần đây nhất là thịt lợn.

Đây là việc thực sự chúng ta không mong muốn, cũng là việc phát sinh từ chuyện chúng ta chuyển sang cơ chế sản xuất theo thị trường.

Thị trường luôn có thay đổi mà thực sự mà ta không thể tiên lượng được hết, vì nó không chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước mà còn phụ thuộc thị trường quốc tế. Chỉ cần một trong những thị trường ấy gặp trắc trở thì đều có ảnh hưởng.

Việc được mùa mất giá không chỉ đối với chúng ta, mà là việc cũng đã từng xảy ra với nhiều quốc gia. Ngay cả châu Âu cũng có lúc dư thừa lúa mạch, rau quả, sữa... do những tác động khó tránh khỏi.

Việt Nam có hơn 16 triệu hộ sản xuất ở nông thôn, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, nên việc định hướng quy hoạch cũng khó khăn. Người nông dân không thể nắm bắt ngay tín hiệu thị trường, bởi vậy, Nhà nước phải có dự báo, quy hoạch với sản xuất của người dân.

Tuy vậy, có nhiều trường hợp Nhà nước đã có khuyến cáo, nhưng cứ được giá mặt hàng nào thì bà con lại tập trung sản xuất mặt hàng đó, dẫn đến cung vượt cầu.

Đã có dự báo từ cuối 2016

Thưa Thứ trưởng, vậy điều đó là lỗi do ai?

Tôi không muốn nói về lỗi. Tôi nói là việc định hướng quy hoạch quản lý Nhà nước, thông tin tổ chức thị trường còn chưa tốt.

Về mặt trách nhiệm quản lý Nhà nước thì còn nhiều vấn đề điều chỉnh. Tổ chức sản xuất mô hình liên kết chuỗi chúng ta đang muốn làm, nhưng chưa làm được nhiều.

Việc tổ chức thị trường, hỗ trợ bà con vào thị trường chưa nhiều, sản xuất đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cũng mới bắt đầu, nên đứng trước rủi ro.

Cùng với đó, hầu hết mặt hàng nông sản của Việt Nam đều đã xuất khẩu. Như vậy, nếu thị trường xuất khẩu không ổn định, nhất là thị trường lớn, gần như Trung Quốc có thay đổi, thì ảnh hưởng đến chúng ta.

Về phía người nông dân, chủ yếu vẫn quen sản xuất theo lối truyền thống. Khi thấy mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì lại tập trung vào mặt hàng đó, thậm chí nhiều nơi có khuyến cáo nhưng không nghe, vẫn cố gắng sản xuất.

Ví dụ, mặt hàng chủ lực của chúng ta là cao su, quy hoạch 800.000 ha nhưng hiện nay đã lên đến một triệu ha, cà phê quy hoạch 500.000 ha, giờ là hơn 600.000 ha...

Chúng ta có 3 triệu hộ nuôi lợn quy mô hộ gia đình. Lâu nay xuất khẩu thịt lợn chủ yếu theo phương thức tiểu ngạch sang nước xung quanh, nhất là Trung Quốc.

Khi Trung Quốc chuyển sang quản lý nhập khẩu chính ngạch, dẫn đến thời gian gián đoạn. Năm nay, lượng xuất bằng 10% với năm trước, dẫn đến hàng hoá dư thừa nhiều, giá xuống.

Thưa ông, việc theo dõi diễn biến của thị trường, đề ra chính sách phát triển nông sản nói chung, thịt lợn nói riêng đang được Bộ tổ chức thực hiện như thế nào?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự báo từ cuối 2016, khi giá lợn rất cao, khoảng 50.000 đồng - 55.000 đồng/kg lợn hơi, chúng tôi thấy có khả năng dư thừa.

Cuối năm 2016, Bộ chỉ đạo qua hệ thống cơ sở, UBND các tỉnh khuyến cáo bà con nông dân ngừng tăng đàn, kiểm soát chặt chẽ thức ăn chăn nuôi và giảm đàn lợn nái xuống.

Trong tháng 2/2017, Bộ tiếp tục có văn bản chỉ đạo địa phương.

Chắc chắn Bộ không thể đến trực tiếp từng người dân, mà phải thông qua con đường Nhà nước, chỉ đạo các sở địa phương, UBND tỉnh, thành phố có thông tin đến chính quyền các cấp, đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Nhưng liệu việc khuyến cáo này có quá chậm trễ?

Về mặt quản lý Nhà nước, việc khuyến cáo phải đảm bảo yếu tố đánh giá dự báo chắc chắn. Nếu như không có tạm dừng xuất khẩu tiểu ngạch từ phía Trung Quốc, chúng ta sẽ không dư thừa. Nhưng chuyện đó thì mới xảy ra nên không thể dự báo từ trước.

Còn bây giờ, đã xảy ra rồi, không thể có thị trường tiêu thụ nữa, thì đành... giải cứu, là chuyện cực chẳng đã mà thôi.

Tôi nhận nhiều thông tin doanh nghiệp bà con gửi về, đánh giá cao hệ thống chính trị của chúng ta vào cuộc trong việc kêu gọi tình tương thân tương ái, giải cứu giá thịt lợn. Nhiều doanh nghiệp lớn đã giảm 10 - 20% giá thức ăn chăn nuôi để bà con duy trì lúc khó khăn.

Thứ hai, các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp lớn tăng cường mua, chế biến, trữ đông, nhu cầu tăng thay thế thực phẩm khác trong bữa ăn.

Bà con nhân dân chung nhau đụng lợn, tiêu thụ tăng lên. Các siêu thị lớn đã giảm giá bán để bà kích thích người tiêu dùng với thịt lợn.

Nhờ hoạt động tích cực vậy, đến nay, giá lợn hơi đã tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg xuất chuồng, có những thời điểm giá lên từ 25.000 đến 40.000 đồng/kg ở Lào Cai, 35.000 đồng/kg ở Đồng Nai...

Nhà nước còn có nhiều chính sách khác, giảm năng suất vay, giãn nợ… Đó là giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con.

Nhưng về lâu dài, phải giải quyết câu chuyện quản lý chặt hơn, định hướng rõ hơn đảm bảo quan hệ cung cầu. Tổ chức liên kết sản xuất có cơ chế chính sách loại bỏ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ theo chuỗi thông qua hợp tác xã, hiệp hội và hỗ trợ phát triển thị trường, đảm bảo kiểm soát trong lưu thông…

Nhà nước khi cần thiết sẽ nắn dòng chảy

Song, rõ ràng trong nền kinh tế thị trường thì một mặt hàng nào đấy sẽ không thể mãi cứ trông chờ vào “tình thương” của người tiêu dùng, thưa Thứ trưởng?

Tôi không đồng tình coi đây là “tình thương”. Những rủi ro tương tự thế này, chúng ta có cố gắng và làm tốt mấy cũng không thể không xảy ra, chỉ có điều, cố gắng thấy bài học để cân đối cung cầu, có chính sách hỗ trợ.

Trong quản lý nền kinh tế, Nhà nước không phải đứng giữa dòng chảy, mà là đứng bên dòng chảy, để khi cần thiết sẽ nắn dòng chảy cho đúng.

Trong lúc khó khăn này, mới thấy quý truyền thống và tình người tốt đẹp của người dân chúng ta.

Cuộc “giải cứu” giá thịt lợn đang được Bộ huy động toàn dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng tại sao giá bán ngoài chợ, siêu thị vẫn còn cao?

Các siêu thị lớn đã giảm giá bán 10-20% so với lúc trước kia.

Các loại phí cũng đã giảm căn bản. Hiện nay phí kiểm soát giết mổ giảm còn 5.000 đồng/con; phí kiểm dịch cho một lô thịt lợn là 50.000 đồng/lô, kết cấu giá thành rất nhỏ.

Nhưng đúng là có tình trạng, khoảng cách giá thịt lợn từ người sản xuất - người chăn nuôi đến siêu thị còn cao. Tuy nhiên, chúng ta không thể can thiệp điều này bằng mệnh lệnh hành chính. Về sau chắc chắn sẽ có giải pháp, nhưng chưa thể là ngay lúc này.

Theo Kiều Linh

Cùng chuyên mục
XEM