HSBC: Ngành nào sẽ được lợi khi vốn FDI tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm?
Xuất khẩu và ngành hàng hải, logistics sẽ tiếp tục là những ngành được hưởng lợi khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục rót vào bất chấp tình hình kinh tế khá ảm đạm là nhận định được HSBC đưa ra.
Theo HSBC , tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2016 khá thấp, chỉ ở mức 5,6% và đã có cải thiện trong quý II nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn không có nhiều thay đổi.
Theo đó, ngành nông nghiệp và thủy sản tiếp tục đối mặt với khó khăn khiến nguồn cung bị gián đoạn và bước vào thời kỳ tồi tệ nhất do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Một số ngành khác có sự phát triển tích cực như các ngành thứ cấp, ngành sản xuất và du lịch, song hoạt động xây dựng đang chững lại.
Hoạt động xuất khẩu vẫn đang đối mặt với khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm, nhưng nhu cầu nội địa được dự báo là sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2016. Với việc Chính phủ không hạ mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2016 là 6,7%, HSBC vẫn giữ quan điểm Việt Nam khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.
Theo đó. để đạt được mục tiêu này HSBC cho rằng Nhà nước sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu và khuyến khích đầu tư, ví dụ như cần mở rộng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, mức dự báo mà HSBC đưa ra cho tăng trưởng năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 6,3% và 6,6%.
Một thông tin tích cực được HSBC đánh giá đó là nguồn FDI dồi dào, đã giúp cán cân thanh toán duy trì ở mức dư dả và tạo điều kiện cho dự trữ ngoại hối phục hồi. Từ đầu năm đến tháng Sáu, nguồn FDI được giải ngân cán mốc 7,3 tỷ USD, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Với nhiều nhà máy bắt đầu hoạt động trong năm nay, chúng tôi dự báo FDI sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều trong thị phần xuất khẩu quốc tế của Việt Nam, cho phép ngành hàng hải (vận chuyển, logistics) tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao thậm chí trong bối cảnh nhu cầu quốc tế chậm lại" - HSBC nhận định.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần đã tăng. Lạm phát cơ bản vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2,0% so với cùng kỳ năm trước trong suốt một năm qua. HSBC dự báo, lạm phát toàn phần sẽ đạt ngưỡng mục tiêu 5% của Nhà nước vào cuối nửa đầu năm 2017.
Việc giá dầu suy yếu cho thấy thâm hụt ngân sách nhiều khả năng vẫn tăng cao, làm hạn chế khả năng nhà nước tăng cường chi phí đầu tư tài sản cố định. HSBC dự báo, thâm hụt ngân sách có thể nới rộng lên mức 6,6% GDP khiến tỷ lệ nợ công trên GDP tiến đến ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra.
Do đó, HSBC khuyến cáo để cải thiện tình hình thu chi ngân sách, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở nguồn thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, cho dù những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều.
Bên cạnh cải cách tài chính công, HSBC cũng chỉ ra hai lĩnh vực cải cách quan trọng khác bao gồm tái cấu trúc và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn và đẩy mạnh cải cách lĩnh vực ngân hàng, với vấn đề tập trung như đẩy nhanh quá trình cắt giảm nợ xấu của ngân hàng.