Myanmar đặt mục tiêu thu hút 140 tỷ USD vốn FDI đến năm 2030

03/05/2016 08:28 AM | Xã hội

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới của Myanmar đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút 140 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trước đó, trong gần 30 năm, tính từ năm 1988 đến tháng 3/2016, Myanmar mới chỉ cấp phép đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 63,7 tỷ USD.

Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới của Myanmar được vạch ra trên cơ sở đón đầu việc Mỹ sẽ tái lập Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2016.

Năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã tái lập GSP dành cho Myanmar, dẫn tới việc nhiều công ty nước ngoài đầu tư thành lập các nhà máy tại đây.

Theo kế hoạch mới, Myanmar đặt mục tiêu thu hút FDI trong khoảng thời gian từ năm 2017-2020 mỗi năm 6 tỷ USD, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ tăng lên thành 8 tỷ USD/năm.

Kế hoạch trên đặt trọng tâm vào việc thu hút FDI và phát triển ngành xuất khẩu cũng như thị trường nội địa.

Trong giai đoạn 2017-2020, chiến lược của Myanmar là tập trung vào phát triển công nghiệp, tận dụng các lợi thế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thu hút FDI.

Chiến lược của giai đoạn 2021-2030 là phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Trong kế hoạch mới, phát triển kinh tế-xã hội phục vụ người dân là ưu tiên số một.

Cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar (DICA) cho biết, trong năm tài khóa 2015-2016, dòng vốn FDI chảy vào nước này đạt mức cao kỷ lục là 9,48 tỷ USD, tăng 50% so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 6 tỷ USD, dù có giai đoạn chững lại trước thềm cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2015.

Mức tăng FDI này cũng tiếp nối đà tăng của các năm tài khóa 2014-2015 (8 tỷ USD) và 2013-2014 (4,1 tỷ USD).

Hiện Singapore là nước có vốn đầu tư FDI vào Myanmar lớn nhất, khoảng 4,3 tỷ USD trong 55 dự án. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, đứng thứ hai với 3,3 tỷ USD.

Theo truyền thông Myanmar, hai chính phủ Mỹ và Myanmar sẽ nối lại cuộc thương lượng về việc Mỹ tái lập GSP cho Myanmar trong khoảng thời gian từ tháng 6-7/2016. Trước đó, phía Mỹ đã tiến hành một đợt rà soát về vấn đề quyền lợi người lao động và luật pháp bảo vệ bản quyền của Myanmar.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc Mỹ tái lập GSP và dỡ bỏ các hạn chế đối với các thể chế tài chính hoạt động tại Myanmar sẽ mở ra một làn sóng đầu tư mới rầm rộ vào quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh đầu tư, thương mại quốc tế của Myanmar cũng có bước phát triển mạnh. Theo Bộ Thương mại Myanmar, trong 9 tháng đầu tiên của năm tài khóa 2015-2016, kim ngạch thương mại của nước này với EU vượt 500 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Myanmar đạt 256 triệu USD, nối tiếp đà tăng liên tục trong nhiều năm gần đây.

Kim ngạch thương mại Mỹ-Myanmar trong 10 tháng đầu tiên tài khóa 2014-2015 đạt 205 triệu USD.

Cùng chuyên mục
XEM