“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau

24/09/2018 09:40 AM | Sống

Ý nghĩa của cuộc sống từ trước đến nay chưa bao giờ phụ thuộc vào việc bạn ở lại thế giới này bao lâu, mà là phụ thuộc vào những năm tháng tuổi già, bạn nhìn ngắm hoàng hôn, ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, liệu bạn có thể hài lòng nói rằng: “Cuộc đời này của tôi, đủ đầy lại tươi đẹp, tôi đã sống một cuộc đời đáng sống.”

1. Câu chuyện chi gần 150.000 USD cho một mũi tiêm để trẻ lại 30 tuổi 

Thời gian trước tôi đọc được một bài viết, nói rằng những người giàu có đã cùng nhau đến Ukraina để tiêm thuốc, trong khi 90.000 USD cho một liều thì những người giàu đó bằng lòng chi đến gần 150.000 USD. Người ta bảo rằng đây là “mũi tiêm duy trì sinh mệnh”, ứng dụng liệu pháp tế bào gốc phôi, khi tiêm vào người có thể trẻ lại 30 tuổi. 

Điều này có đáng tin cậy không? Không hề. 

Nghiên cứu của của Viện Hàn lâm Khoa học cho thấy: “Điều này hoàn toàn không đúng với khoa học.” Thật ra chỉ cần suy nghĩ chúng ta cũng có thể biết được, nếu như một mũi tiêm có thể khiến con người trẻ lại 30 tuổi, những người giàu có và quyền lực trên thế giới đã sống được hơn trăm tuổi từ lâu rồi. Nhưng họ có thật sự ngu ngốc khi vung tiền như vậy? Có thật sự là IQ của họ đã xảy ra vấn đề? 

Phóng viên đã phỏng vấn một triệu phú 42 tuổi tên S. 20 năm trước, ông S là một chàng trai trẻ không có gì trong tay; trong quãng thời gian 20 năm này, ông làm nên từ hai bàn tay trắng, sở hữu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu, nhưng không thể nào lấy lại thanh xuân nữa. Do công việc, ông S phải bôn ba nhiều nơi, tham dự các bữa tiệc rượu, nơi mà ông không thể xua tay từ chối, đã đến mức phải uống đến nôn mới thôi, mỗi ngày ông hút hai, ba gói thuốc, thường xuyên thức khuya, rất ít khi ngủ trước 2 giờ sáng. 

Ở độ tuổi đẹp nhất, vì để kiếm tiền, những gì ông làm đều là những việc mà bản thân không thích. Nghe tin về mũi tiêm có thể hồi xuân, ông S liền đi tìm ngay. Ông ấy nói rằng: “Nếu tôi thật sự có thể về lại lúc trước, phải chi trả gấp mười lần như vậy tôi cũng bằng lòng.” Tôi nghĩ không có ai là ngốc cả, rõ ràng biết rằng có khả năng mình bị lừa, nhưng vẫn tình nguyện đi làm, rất có thể là vì họ đã có một sự hối tiếc quá lớn trong quá khứ. 

Hối tiếc vì đã không làm điều mình yêu thích, không nhìn ngắm những phong cảnh tuyệt vời ở độ tuổi đẹp nhất. Vì vậy họ muốn dùng tiền để bù đắp cho sự hối tiếc này. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 1.

2. Năm điều mà hầu hết mỗi người đều hối hận trong đời 

Tôi nhớ đến một câu chuyện. Otsu Shuichi, một ý tá Nhật Bản chuyên chăm sóc những người sắp mất, đã từng chứng kiến ​​hơn 1000 trường hợp bệnh nhân viết thư tuyệt mệnh. Cô đã biên soạn những lá thư này thành một cuốn sách, đặt tên là: “25 điều bạn sẽ hối tiếc trước khi chết”.

Điều thứ nhất: Không làm những việc mình muốn làm. Một số người bị ràng buộc bởi kiếm sống, gia đình, địa vị xã hội, họ đã luôn làm những việc mà xã hội yêu cầu họ làm, nhưng lại quên mất tiếng nói từ nội tâm của mình, họ không ngừng kìm nén chúng, cho đến khi chúng không còn xuất hiện nữa. 

Điều thứ hai: Cả đời sống theo cảm xúc. Họ cười giễu, khóc lóc, la hét vì một việc nhỏ nhặt, luôn trong trạng thái không thoải mái, ảnh hưởng bản thân, cũng ảnh hưởng luôn cả người khác. Đến lúc gần chết đi, họ đột nhiên nhận ra: những việc hàng ngày khiến mình buồn bực, đau khổ, lo lắng, buồn bã, giận hờn, những việc khiến mình đạt đến giới hạn chịu đựng đều rất nực cười và không xứng đáng.

Điều thứ ba: Hầu hết thời gian đều dành cho công việc. Nhìn lại cuộc đời mình, họ nhận ra mấy chục năm nay bản thân đều vùi đầu vào công việc; nhận ra câu nói hay nhất của mình đều là nói cho lãnh đạo và khách hàng nghe; nhận ra người bên cạnh mình lâu nhất là đồng nghiệp; nhận ra thứ mình nhìn ngắm lâu nhất là chiếc máy tính. Đây thật sự là một điều đáng buồn. 

Điều thứ tư: Không có một chuyện tình sâu sắc. Chúng ta nên có một tình yêu như thế này: không nhất thiết phải bên nhau đến già, không nhất thiết phải lập gia đình sinh con, chỉ cần thời điểm đó, chúng ta đã yêu một cách chân thành và nồng nhiệt. Ký ức sâu sắc này sẽ được viết vào nhật ký, khắc ghi trong tâm trí của bạn, ngay cả lúc chẳng còn trẻ trung nữa, khi nhớ lại khoảnh khắc cùng nhau ngắm hoàng hôn, cũng đủ khiến bản thân mỉm cười. 

Điều thứ năm: Không thể đi du lịch những nơi mà mình muốn đến. Cực quang ở Iceland, rừng mai ở Tân Cương, vườn quốc gia Grand Canyon của Mỹ, bãi biển Maldives, vùng non nước Tây Tạng... Bạn đã đặt chân đến thế giới này, nhưng chưa kịp nhìn ngắm những phong cảnh xinh đẹp của nó thì đã rời đi rồi, bạn không cảm thấy hối tiếc sao? 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 2.

3. Vì sao đến khi gần chết đi, người ta mới lắng nghe nội tâm của mình? 

Vào tháng 9 năm 2013, anh P được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vì “thường xuyên thức đêm và quá căng thẳng”. Anh P là một nhân vật có tiếng của giới doanh nghiệp trong nước, ở Mỹ, thậm chí toàn cầu, nhưng hiện giờ anh lại mắc bệnh ung thư ở tuổi trung niên. 

Khi anh P trò chuyện với một vị sư già, vị sư ấy đã hỏi anh rằng: “Mục tiêu cuộc đời của anh là gì?” Anh P trả lời: “Trở thành một người có tầm ảnh hưởng thật lớn trên thế giới.” Vị sư nói: “Điều này quá nguy hiểm.” Sống là để thay đổi thế giới, nên gánh cả thế giới trên vai, nhưng rốt cuộc bản thân lại bị chính nó đè bẹp. 

Trước khi bị ung thư, anh P luôn sống trong trạng thái cuồng công việc. Ngoài công việc và doanh nghiệp, anh ấy còn quản lý một blog lớn với 50 triệu người hâm mộ, mỗi năm tổ chức hàng trăm buổi hòa nhạc, phát hành sách, đầu tư. Anh ấy tự quy định cho mình: email của hôm nay, dù muộn thế nào cũng phải trả lời hết. Anh ấy chưa bao giờ ngủ trước 1 giờ sáng, cũng chưa bao giờ có một bữa sáng đầy đủ, không phải đang làm việc thì là trên đường đến công ty.

Sau khi bị ung thư, khoảnh khắc trước lúc chết, anh ấy đã tỉnh ngộ: Thay đổi thế giới là một ý nghĩ ngu ngốc biết bao. Dù thiếu sót ai đi nữa thì trái đất này vẫn quay. Thứ mà một người có thể thay đổi, chỉ là bản thân họ, thứ mà một người có thể chăm sóc tốt, chỉ có người thân, bạn bè, con cái của họ.

Vì vậy, trong bộ phim tài liệu “Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời”, khi nhạc nền vang lên, anh P đang đi bộ trên bãi biển, bế con gái mình trong nắng chiều, dạo bước dưới hàng cây xanh cùng vợ mình, bầu bạn với người mẹ mắc chứng mất trí. Anh của thời điểm này, không phải nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp, không phải một thần tượng thành đạt, mà chỉ là một đứa con trai, một người chồng, người cha bình thường. 

Anh P đã viết trong cuốn sách của mình: “Tôi muốn để cho người thân biết tôi yêu họ thế nào, tôi muốn cùng họ trải qua những khoảnh khắc đáng nhớ, dù là nơi từng hưởng tuần trăng mật với vợ, hay một nơi đã từng có cuộc sống hạnh phúc với con mình, ăn những món mình thích, nhớ lại những hồi ức đẹp đẽ, tôi hy vọng lúc còn sống có thể sống hết lòng trong từng khoảnh khắc, mà không phải chỉ để tâm đến công ty của mình.” Con người chỉ khi sắp chết đi, họ mới lắng nghe thật cẩn thận giọng nói nội tâm của mình. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 3.

4. Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời: Những việc mà ai cũng nên làm trong đời

Jobs đã từng hỏi mọi người: “Nếu như phải sống như ngày mai sẽ chết, bạn sẽ sống như thế nào?” Không ai trả lời cả. Anh P cũng đã từng hỏi bản thân: “Nếu cuộc đời chỉ còn lại 100 ngày, tôi nên sống như thế nào?” Tôi không biết liệu bạn đã từng tự hỏi mình hay không, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều nên làm như vậy: Nếu như ngày mai sẽ chết, tôi nên sống như thế nào và với ai? Tôi nên dành những ngày cuối cùng ở nơi nào? Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, mới là cách sống tốt nhất. 

Đứng ở góc độ cái chết để quan sát thật kỹ cuộc sống mà chúng ta sẽ phải trải qua. Chỉ khi bạn đặt mình vào phần cuối của cuộc đời để nhìn lại những việc đã qua, bạn mới có thể có cái nhìn thông suốt đối với một số việc, mới có đủ can đảm để làm những điều bạn thật sự muốn làm. Nếu không thì, phải đặt dấu chấm hết trong sự hối tiếc, là một kết cục buồn bã nhất. 

(1) Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời: Trong đời này nhất định phải yêu ai đó hết lòng

Mỗi người nên có cho mình một tình yêu mà bản thân có thể hy sinh tất cả vì nó. Anh Q yêu cô V đã 6 năm, hay tin cô V quyết định ra nước ngoài sinh sống, anh dứt khoát từ bỏ sở thích của mình, cùng cô V đi đến đó. Anh biết sự quyết tâm của người mình yêu, nên đã tìm trước một công việc ở nước ngoài, chờ đợi cô V. Vì tình yêu có thể từ bỏ mọi thứ. Từ đam mê, sở thích đến kế hoạch trong tương lai... đều thay đổi theo người đó. Tình yêu này đơn giản mà lại chân thành.

Một nhà văn khi nhớ lại tình yêu 4 năm đại học, điều khiến cô khắc ghi sâu sắc nhất là mỗi tối bạn trai đều đưa cô về, viết cho cô những lá thư đầy yêu thương. Đúng 4 năm, đúng 1.460 lá thư. Tôi rất thích câu nói: “Tình yêu không phải là một xúc cảm tích cực làm người khác thích thú, dù là nồng nhiệt, cố chấp hay bình yên đến nỗi nhạt nhẽo thì cũng là tình yêu, quan trọng là, bất kể khó khăn hay chia cách, bàn tay của cả hai vẫn nắm lấy nhau.” 

Một tình yêu không cần phải bên nhau đến cuối đời, không cần phải đặt dấu ấn trên giấy chứng nhận kết hôn; một tình yêu viết vào trang nhật ký, khắc ghi vào tâm trí, đến lúc tuổi già nhớ lại, cảm thấy cuộc đời này không hối tiếc. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 4.

(2) Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời: Nhất định phải nhìn ngắm vẻ đẹp của thế giới này nhiều hơn

Norma, một cụ già 90 tuổi ở Michigan, Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Cụ già không muốn phải dành phần còn lại của cuộc đời mình trong bệnh viện, cụ đã từ bỏ việc điều trị, bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh đất nước ở tuổi 90. Cụ lấy hết số tiền mà mình tiết kiệm được để làm một chiếc RV, cùng với con trai và con dâu của mình đi khắp nước Mỹ. 

Cụ viết rằng: “Tôi sống đến 90 tuổi, nhưng vào khoảnh khắc đi đến phần cuối cuộc đời, tôi mới chợt nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian. Mỗi ngày tôi làm việc hơn 10 giờ đồng hồ, tôi phải chăm sóc gia đình, tôi đã dành quãng thời gian đẹp nhất cho công việc và gia đình. Còn bản thân tôi đến với thế giới này, vất vả gần 90 năm, mới suy nghĩ đến việc nhìn ngắm thế giới nhiều hơn.” 

Khi bạn đang ngồi gõ máy tính thì cá tuyết Alaska đang nhún nhảy trên mặt nước. Khi bạn đang đọc báo cáo thì chú khỉ vàng của vùng núi tuyết Mai Lý đã leo đến ngọn cây. Khi bạn chen chúc trên xe buýt thì những cánh chim ưng đang bay lượn giữa những tầng mây Tây Tạng. Khi bạn tranh luận trong cuộc họp, thì tại Nepal, vài vị khách du lịch đang nâng rượu vang ngồi bên lò sưởi. Đó là con đường mà những ai mang giày cao gót không thể đi đến, là bầu không khí mà những ai ngào ngạt hương nước hoa không thể tận hưởng, là một số người bạn thú vị mà những ai nhốt mình trong văn phòng mãi mãi không thể gặp gỡ. 

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất ngớ ngẩn, nhưng thật sự đã có người làm như vậy. Suy cho cùng, nếu hôm nay là ngày cuối trong đời, bạn không thể chỉ đến với thế giới này để nhìn nhà cao tầng và cầu cạn, chỉ thấy ánh đèn ở đuôi xe và đèn neon, chỉ thấy nét mặt của sếp và các đồng nghiệp. Cực quang ở Iceland, đêm đầy sao ở Tây Tạng, bầu trời xanh của Nepal... đều nên được bạn nhìn ngắm. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 5.

(3) Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời: Làm việc vì đam mê

Thế nào gọi là đam mê? Là khi ta làm một điều gì đó mà không hề quan tâm đến công danh lợi lộc, không dựa vào nó để kiếm tiền, lấy lòng người khác. “Tôi làm nó chỉ vì tôi thích, chỉ vì tôi muốn làm.” Ông nội từng kể cho tôi nghe chuyện về một cụ già trong làng thích đàn nhị từ hồi còn rất trẻ. 

Tuy cụ già kéo đàn rất hay, nhưng cụ lại có một sở thích kỳ lạ, cho dù cuộc đời có nghèo, có mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, cụ không bao giờ lấy việc kéo đàn nhị để kiếm sống. Người ta bảo cụ ngốc, có tiền lại không muốn kiếm.

Cụ già nói rằng: “Không thể dùng niệm tưởng (những việc đáng để nhớ nhung, suy nghĩ, hoài niệm đến) kiếm tiền.”  Sau này con cái đều đã trưởng thành, đưa cụ già đến sống ở thành phố, trong một khu nhỏ với ông tôi. Mỗi tối ông tôi đều nhìn thấy cụ mang theo một cây đàn nhị và một cốc trà, ngồi trong một ngôi đình. 

Cụ uống một ngụm trà trước, sau đó bắt đầu kéo đàn nhị. Ông tôi sống mấy chục năm trong khu nhỏ này thì cụ kéo đàn chừng ấy năm, ngày qua ngày vẫn không dứt. Cách đây một thời gian, cụ già đã qua đời, cụ ra đi rất yên bình, nằm trên chiếc giường của bệnh viện, cụ vẫn cầm đàn nhị trong tay. Đó chính là niệm tưởng cả đời của cụ. Một nhà văn nổi tiếng đã nói: “Những ai không có sở thích, cũng sẽ không có tính nết thật sự.” 

Đam mê là chỗ dựa cùng cực trong lòng một người, là một loại mong muốn vô cùng mãnh liệt trong cuộc sống. Nó không thể được sử dụng để kiếm tiền, cũng không thể được sử dụng để khoe khoang. Có lẽ đối với người khác, nó hoàn toàn không có giá trị, nhưng trong lòng bạn, nó là vô giá. 

Như thi sĩ Đào Uyên Minh say mê hoa cúc, Lý Bạch thích rượu, Tô Đông Pha yêu hàng trúc xanh... những điều này đều là đam mê. Mỗi người thường có quãng thời gian đơn độc một mình ít nhất là một phần ba cuộc đời. Không có đam mê, cuộc đời trống rỗng; có đam mê, cuộc đời đủ đầy. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 6.

(4) Bình tĩnh chấp nhận cái chết 

Tôi có ấn tượng cực kỳ sâu sắc với một chương trình về tuổi trung niên. Trong phòng chăm sóc đặc biệt cho những tình trạng nghiêm trọng, một bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối, nhiều cơ quan trên cơ thể không thể nào hoạt động bình thường được nữa, cô ấy phải phụ thuộc vào các loại thiết bị khác nhau để duy trì sự sống. 

Cơ thể của bệnh nhân này được cắm vài chục loại ống dẫn khác nhau, có ống thở oxy, ống truyền máu, các loại chất lỏng đi ra khỏi cơ thể, thông qua quá trình xử lý bằng thiết bị, lại đi vào cơ thể. Bệnh nhân được tiêm thuốc an thần, nằm bất động trên giường. Nhưng vào lúc này, ý thức của họ rất tỉnh táo: “Mặc dù không thể cử động, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ cơ thể của mình đang được cắm đủ loại ống dẫn, những chất dịch đi ra rồi lại đi vào cơ thể của tôi.”

Sau một thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhân nữ đã có đôi chút cải thiện. Các thành viên gia đình được phép vào thăm. Bệnh nhân nữ rơi nước mắt, dùng hết sức lực của mình hét lên với chồng: “Ông cút đi, ai bảo ông chữa trị cho tôi chứ, ông thử nằm ở đây xem, tôi không muốn điều trị nữa, tôi sống không bằng chết.”

Tác giả đã viết rằng: “Nếu một ngày nào đó tôi cũng như thế này, bị ung thư, tôi thà chết còn hơn, tôi không muốn tự giày vò mình trong căn phòng đó, điều đó chẳng khác nào đang chi tiền để đi xuống địa ngục.” 

Anh ấy đã gọi điện cho người thân của mình: “Có tiền cứ chi tiêu, hãy nhanh chóng tiêu hết đi, muốn ăn gì cứ ăn, muốn du lịch nơi nào thì du lịch, hãy cứ làm những gì mình muốn. Tôi thà tiêu hết tiền, cũng không bao giờ chi cho phòng chăm sóc đặc biệt.” 

Chúng ta cất tiếng khóc chào đời đến với thế giới này, nhưng ít ai có thể ra đi trong yên bình, hầu hết đều là không nỡ, đều là rơi nước mắt hối tiếc, hầu hết đều muốn chi một số tiền lớn, phạm một lỗi lầm lớn nào đó với mong muốn bản thân có thể vãn hồi dù chỉ là nửa năm cuộc đời. Vì sao một số người lại làm như vậy? Bởi vì họ đã có quá nhiều sự hối tiếc. 

Họ dành cả đời dõi theo ánh đèn neon, nhưng chưa bao giờ thấy được một bầu trời đầy sao, việc này có hối tiếc hay không? Vì chuyện kết hôn, họ tìm một đối tượng phù hợp để ở cạnh, nhưng chưa bao giờ có một cuộc tình sâu sắc, việc này có hối tiếc hay không? Cả đời này họ mỉm cười vui vẻ với người lạ, còn với người nhà thì luôn trưng ra bộ mặt cau có, việc này có hối tiếc hay không? 

Chuyến hành trình đẹp của cuộc đời là phải nhân cơ hội khi còn sống, làm hết những việc mà mình muốn làm, sau đó chấp nhận cái chết một cách bình tĩnh. 

“Hôm qua, bạn tôi vừa qua đời vì ung thư”: Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày, đừng để đến lúc chết đi mới hối hận 5 điều sau - Ảnh 7.

5. Giá trị thật sự của cuộc đời

Anh B có sở thích leo núi, anh rất nổi tiếng trong nước, thích thử thách bản thân với những ngọn núi băng có độ khó cao. Đầu năm 2016, trong một chuyến leo núi, bởi vì dụng cụ xảy ra sự cố khiến anh rơi xuống vách đá tử vong. 

Sau khi sự việc xảy ra, dân mạng thi nhau mắng chửi: “Người này đi tìm đường chết hay sao ấy! Đầu năm đầu tháng, không ở nhà ăn chơi, lại đi leo núi băng! Rõ ràng là đi tìm đường chết mà. Nằm ngủ ở nhà thoải mái biết bao!” 

Bạn bè của anh B đã đăng lên Facebook rằng: “Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày. Nếu như để cuộc sống của tôi phải trải qua với những bữa tiệc linh đình nhạt nhẽo, với âm thanh hò reo trong những ván bạc thì xin lỗi, tôi thà chết trên sông băng.”

Ý nghĩa của cuộc sống từ trước đến nay chưa bao giờ phụ thuộc vào việc bạn ở lại thế giới này bao lâu, mà là phụ thuộc vào những năm tháng tuổi già, bạn nhìn ngắm hoàng hôn, ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, liệu bạn có thể hài lòng nói rằng: “Cuộc đời này của tôi, đủ đầy lại tươi đẹp, tôi đã sống một cuộc đời đáng sống.” 

Thậm chí nếu mũi tiêm trẻ lại 30 tuổi thật sự có hiệu quả, người ta cũng không hẳn có đủ sự tự tin để nói ra câu nói này.

Xin đừng ngồi đó suy nghĩ nữa, hãy cho bản thân một chút dũng khí, hãy sống hết mình hơn, đừng lo lắng, đừng ngại rắc rối và khó khăn. Dưới ánh hoàng hôn, tôi hy vọng bạn có thể hài lòng nói với chính mình: “Tôi đã sống một cuộc đời đáng sống.”

Tu An

Cùng chuyên mục
XEM