Hồ tiêu rớt giá, người dân rớt “nước mắt”

10/05/2018 17:23 PM | Xã hội

Những năm trước, hồ tiêu có giá, nhiều hộ dân ở Lâm Đồng đã phá cà phê để trồng và mở rộng diện tích loại cây này. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng rớt giá kỷ lục, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn.

Ông Trần Công Phương (48 tuổi, ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vào thời điểm đó, gia đình ông đã phá bỏ 1ha cà phê đang ở thời kỳ cho thu hoạch chuyển sang trồng hồ tiêu với hy vọng làm giàu từ loại nông sản này.

Thời điểm hiện nay, tại khu vực Lâm Đồng hồ tiêu có giá chỉ hơn 60.000 đồng/kg, vẫn cao hơn càphê nhưng chi phí đầu tư, chăm sóc hồ tiêu tốn kém hơn càphê rất nhiều. Hiện các gia đình trồng nhiều tiêu đều chọn không mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc số lượng tiêu hiện có và chờ giá tăng trở lại.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chu (51 tuổi, thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), những tháng qua, 2,5ha trồng xen cà phê và 5 sào tiêu ít được gia đình ông chăm sóc kỹ lưỡng như trước. Giá hồ tiêu xuống quá thấp trong thời gian dài khiến gia đình ông Chu chẳng còn mặn mà với loại cây trồng này.

Được biết, huyện Di Linh là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh với gần 700ha, trong đó, hai xã Tam Bố và Tân Nghĩa có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện.

Ông Đặng Văn Khá, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh nói: “Hiện chúng tôi đã khuyến cáo tới người dân không mở rộng diện tích, tập trung đi vào thâm canh, tăng năng suất trên diện tích hiện có”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2.043ha, tăng 13% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 700ha, diện tích trồng mới, chuyển đổi khoảng 433ha, năng suất bình quân hồ tiêu ước đạt 2,75 tấn/ha với sản lượng gần 2.000 tấn/năm.

Theo Phú Sơn

Cùng chuyên mục
XEM