Bí quyết giữ vị trí Top PCI của Đồng Tháp và chuyện Bí thư tỉnh đi "xin" smartphone tặng nông dân

22/03/2018 15:52 PM | Xã hội

Thế giới giờ đây được nằm gọn trong những chiếc điện thoại thông minh, theo quan niệm của ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp. Bởi vậy, để "kích hoạt" nông dân của tỉnh phát triển, ông đã tìm cách "xin" những chiếc smartphone.

Địa phương thuần nông lập kỷ lục với PCI

Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 sáng nay (22/3), Đồng Tháp xếp vị trí thứ 3 với 68,8 điểm. Như vậy, địa phương này đã lập kỷ lục 10 năm liền nằm trong top tốt nhất về PCI.

Để duy trì điều này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Đồng Tháp cho biết bản thân ban lãnh đạo tỉnh luôn tự đặt ra những áp lực thay đổi, bởi các địa phương đều đang trong quá trình cải cách, nếu Đồng Tháp một phút nào đó tự thoả mãn, bằng lòng thì sẽ bị tụt hậu.

Ông Hoan nhấn mạnh, việc lan toả ý chí của lãnh đạo thành ý thức tự thân của bộ máy luôn là vấn đề được lưu ý. "Lãnh đạo chủ chốt gay gắt mà bộ máy không chuyển động thì sẽ không mang lại kết quả gì. Mừng thay là cả hệ thống hiểu được điều đó", ông nói.

Mặt khác, Bí thư tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết dư địa cải cách của tỉnh còn rất nhiều, đặc biệt trong làn sóng cách mạng 4.0. Ví dụ, thông qua kết nối của công nghệ, tương tác của lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng hơn, sự chờ đợi của doanh nghiệp sẽ không còn nữa, thay vào đó, chính quyền mới là bên chủ động.

Mô hình tâm đắc hơn cả Cà phê doanh nhân

Cà phê doanh nhân là "đặc sản" của Đồng Tháp trong công cuộc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh địa phương. Triết lý của nó, theo ông Lê Minh Hoan là sự chia sẻ, tương tác. Nghĩa là doanh nghiệp không phải đến khi có khó khăn mới tìm đến mà là bất cứ khi nào.

Đó có thể là một ý tưởng vừa được nảy ra, đó có thể là một câu chuyện hay muốn được nói... Bên cạnh đó, chính quyền cũng có thể chia sẻ những dự tính của mình với doanh nghiệp, trở thành sự tương tác, kéo gần thị trường với những người lãnh đạo.

"Đâu có ai nhanh nhạy thị trường hơn doanh nghiệp. Nó giống như con tôm, con cá nhạy cảm với nước mặn, nước ngọt. Chính quyền chậm hơn rất nhiều", ông Hoan nói.

Tuy nhiên, ông bày tỏ, hiện có một mô hình mà Đồng Tháp còn cảm thấy tâm đắc hơn cả Cà phê doanh nhân. Đó là Hội quán nông dân với số lượng hiện tại lên đến 40.

Hội quán là nơi những người nông dân trong vùng cùng một nhóm ngành nghề tụ họp lại. Thông qua đây, họ phát huy vai trò tự quản, tự suy nghĩ, tư duy làm ăn. Chính quyền sẽ đóng vai trò là người cung cấp thông tin chứ không làm thay người dân. Mô hình này cũng lôi kéo được doanh nghiệp tham gia, cùng bàn bạc với người nông dân để sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Ông Hoan nhấn mạnh đây là sáng kiến để tận dụng sức mạnh cộng đồng, giảm bớt tính ỷ lại, trông chờ vào chính quyền.

Vị Bí thư này cho biết trong tuần tới, Tỉnh sẽ kết nối hạ tầng viễn thông về các hội quán để cứ cuối giờ chiều, sau những việc đồng áng thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh, doanh nghiệp, chuyên gia sẽ "kết nối" với nông dân trong tỉnh cùng bàn chuyện làm ăn.

Bên cạnh đó, ông Hoan cũng bật mí, 40 chủ nhiệm hội quán đều sử dụng điện thoại thông minh. Đấy là những chiếc điện thoại được ông đi "xin" từ Bộ Khoa học Công nghệ nhằm "kích hoạt" cho nông dân. Bởi ông quan niệm, mọi thông tin giờ gói gọn trong chiếc điện thoại, nông dân phải tập quen dần, phải ra khỏi những ốc đảo trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang tiến đến rất nhanh chóng.

"Xưa họ sợ lắm, không biết tiện ích công nghệ. Giờ họ dùng quen rồi", Bí thư Đồng Tháp nói. Ông kể, hàng ngày nhận được rất nhiều email của bà con nông dân. Đơn cử như sáng nay, con số đã lên đến mấy chục.

"Triết lý của Hội quán là người dân lo chuyện người dân, chính quyền ở phía sau hỗ trợ chứ không chỉ huy họ", ông Lê Minh Hoan cho hay.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM