[Hồ sơ] Ngành thủy sản 2014: Năm bội thu của con tôm Việt Nam

05/01/2015 10:18 AM |

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản vẫn đạt tổng sản lượng 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, vượt 11,6% so với kế hoạch.

Trong lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam, thủy sản được xem là thế mạnh và là mặt hàng chủ lực. Theo số liệu của tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2014 đạt 7,2 tỷ USD, tăng 19,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo Công an Tp.HCM, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng năm 2014 ngành thủy sản vẫn đạt tổng sản lượng 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, vượt 11,6% so với kế hoạch.

Tính đến tháng tháng 7 năm 2014, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 23% tỷ trọng. Các thị trường quan trọng tiếp theo là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hàn Quốc, Asean, Trung Quốc.

Ngành tôm: Bật cao tanh tách

Mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gồm nhiều loại như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc,… tuy nhiên tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ lực. Theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam, tính trong 8 tháng đầu năm 2014, mặt hàng tôm đóng góp 50,1% vào tổng giá trị xuất khẩu, cá tra đóng góp 21,6%. Đây là ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Chỉ trong 3 năm, giá trị xuất khẩu tôm gần tăng gấp đôi khi quý 2 năm 2011 đạt 572 triệu USD thì tới quý 2 năm 2014 đã đạt tới 993 triệu USD. Cũng xét tại 2 mốc thời gian này, giá trị xuất khẩu cá tra đạt lần lượt 452 và 391 triệu USD, mặt hàng này hầu như ổn định trong 3 năm.

Nguồn: Vasep, MBKE.

Nguồn: Vasep, MBKE.

Theo công ty chứng khoán MBKE, sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua là nhờ với sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm. Hai lý do chính khiến mặt hàng này tăng trưởng đáng kể là nhờ hưởng lợi từ nguồn cung lớn trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc bị giảm mạnh do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) và nhu cầu tôm tăng mạnh tại thị trường Mỹ.

Theo báo cáo phân tích từ Rabobank, nhập khẩu tôm từ Mỹ cũng như EU tăng do giá thịt bò tại hai thị trường này tăng cao khi nguồn cung giảm khoảng 7%. Thống kê của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy 10 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ tăng 57% về giá trị và 33% về khối lượng, là nước có tốc độ tăng cao nhất trong 5 nhóm cung tôm lớn nhất vào Mỹ. Cũng theo báo cáo của MBKE, nửa đầu năm nay, giá trung bình của tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, khiến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cũng được hưởng lợi về giá trị.

Cá tra và nỗi lo sụt giảm

Cá tra được xem là mặt hàng xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên trong khi ngành hàng tôm có sự tăng trưởng mạnh 3 năm trở lại đây thì mặt hàng cá tra lại có dấu hiệu chững lại. Theo công ty chứng khoán MBKE, giá trị xuất khẩu cá tra vào 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ trong 8 tháng đầu năm đều giảm lần lượt 7,3% và 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Vasep, MBKE.

Nguồn: Vasep, MBKE.

Cũng theo số liệu của cục nghề cá Mỹ, 9 tháng đầu năm nay Mỹ nhập khẩu 72.945 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 12,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tiêu thụ tại thị trường này chững lại do lượng hàng cá tra dự trữ còn khá nhiều đồng thời do ảnh hưởng từ mức thuế bán phá giá cao nên nhiều doanh nghiệp đã hạn chế xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn này tăng 1,31% so với cùng kỳ 2013. Việc Mỹ giảm nhập khẩu cá tra không chỉ xảy ra với Việt Nam mà một số nguồn cung lớn khác như Trung Quốc, Philippines cũng giảm mạnh.

Nguồn: Vasep.

Nguồn: Vasep.

Vừa qua, Việt Nam tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do FTA với liên minh hải quan (Nga, Belarus và Kazashtan) và dự kiến sau khi kết thúc đàm phán, năm 2015 hàng hóa Việt Nam trong đó có thủy sản sẽ vào thị trường Nga miễn thuế so với mức hiện tại là 18%. Đồng thời do tình hình chính trị liên quan đến Ukraine, nước này đã cấm nhập khẩu thủy sản từ một số nước như Na Uy, Mỹ, EU, Canada và Úc trong vòng 1 năm trở lại với các mặt hàng như cá hồi, cá thu, trứng cá…  Đây có thể xem đây là cơ hội cho Việt Nam khi tháng 6 vừa qua, Nga vừa dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra và 30 doanh nghiệp được xuất khẩu trở lại vào nước này. Tuy nhiên trước mắt, theo số liệu Hải quan xuất khẩu cá tra sang Nga trong 10 tháng đầu năm nay đạt giá trị 26,53 triệu USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ 2013.

Tại khu vực châu Âu, hàng thủy sản Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế kể từ 2015 so với mức thuế 7% đang áp dụng.

Doanh nghiệp thủy sản: Một năm thu hoạch lớn

Năm 2014 có thể xem là năm “bội thu” với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong ngành khi 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu 8 tháng đầu năm có tới 7 doanh nghiệp ngành tôm. Minh Phú được xem là giữ ngôi vương trong các doanh nghiệp ngành này trong khi Vĩnh Hoàn lại nắm vị trí hàng đầu về xuất khẩu cá tra.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có đặc điểm chung là quy mô nhỏ, thậm chí đứng top đầu giá trị xuất khẩu nhưng lợi nhuận hàng năm vẫn rất thấp nên cũng chính là yếu tố thuận lợi cho những doanh nghiệp lớn muốn mở rộng quy mô thông qua thâu tóm như Hùng Vương. Trong thời gian qua, ngành thủy sản diễn ra một loạt thương vụ M&A lớn nhỏ như việc mua lại Agifish và Việt Thắng Feed mở đầu cho cuộc đua mở rộng quy mô giữa Hùng Vương và Minh Phú.

Với tình hình tăng trưởng thuận lợi của xuất khẩu tôm trong năm nay, giá cổ phiếu Minh Phú tăng vọt trong 1 năm. Đầu năm nay, cổ phiếu MPC chỉ dao động quanh mức 20.000 đồng/cp nhưng sau đó đã tăng lên xấp xỉ 100.000 đồng trước khi điều chỉnh về quanh mức 80.000 đồng như hiện tại. Điều này khiến chủ tịch Minh Phú Lê Văn Quang cùng vợ là bà Chu Thị Bình có giá trị cố phiếu tăng 2.708 tỷ đồng trong năm nay. Ngoài ra, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh của công ty Vĩnh Hoàn cũng có giá trị cổ phiếu tăng 1.013 tỷ đồng. Hiện bà Khanh là đại diện duy nhất của ngành thủy sản đứng trong top 10 giàu nhất sàn chứng khoán.

Biến động giá cổ phiếu MPC và VHC năm 2014.

Biến động giá cổ phiếu MPC và VHC năm 2014.

>> Hùng Vương vs. Minh Phú: Cuộc đấu quyết định vị trí số 1 ngành thủy sản

BAN BIÊN TẬP

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM