[Hồ sơ] Thị trường xe tải Việt Nam: Nhập khẩu xe Trung Quốc tăng trưởng mạnh

22/07/2014 12:51 PM |

Nhu cầu tiêu thụ xe tải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tăng trưởng kinh tế.

Khi nói tới thị trường ô tô Việt Nam, hầu hết các câu chuyện đều tập trung vào phân khúc xe hơi. Chẳng mấy ai quan tâm đến chiếc xe tải khô khan, cục mịch vận hành ra sao hay thương hiệu xe tải nào bán chạy. Điều này cũng dễ hiểu khi xe tải chủ yếu được sử dụng bởi các doanh nghiệp. 

Nhu cầu tiêu thụ xe tải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, vận tải hàng hóa, công nghiệp nặng, xây dựng-vật liệu xây dựng, khai khoáng là những đơn vị sử dụng nhiều xe tải nhất, đặc biệt là xe tải nặng để vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, vận chuyển đường trường.

Gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt tải trọng của các loại xe tải nhằm bảo vệ hệ thống cầu đường. Chính sách này chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới thị trường vận tải do lâu nay tình trạng chở quá tải gấp 2-3 lần tải trọng cho phép là hành động khá phổ biến.

Trong điều kiện hàng hóa vận chuyển có xu hướng tăng lên mà tải trọng lại bị siết chặt sẽ dẫn đến nhu cầu mua sắm thêm xe của các đơn vị vận chuyển để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Các chuyên gia trong ngành nhận định nhu cầu xe tải hạng trung sẽ tăng lên mạnh nhất.

Báo cáo bán hàng tháng 6/2014 của Ô tô Trường Hải cũng cho trong các dòng xe thương mại của hàng này đã có sự chuyển dịch từ xe tải, xe ben nặng sang thị trường xe tải/xe ben cỡ trung và xe đầu kéo.

Nguồn: VAMA, không tính sản lượng năm 2013 của Vinaxuki

Thị trường xe tải Việt Nam

Số liệu về thị trường ô tô Việt Nam hầu hết đều được tham chiếu từ các số liệu do VAMA công bố. Mặc dù số liệu VAMA chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh chung của thị trường nhưng dẫu sao đây cũng là số liệu đầy đủ nhất được công bố chính thức.

VAMA quy tụ được hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xe du lịch như Trường Hải (KIA, Mazda), Toyota, Honda, GM, Ford… nên phản ánh khá rõ nét về thị trường xe du lịch.

Các doanh nghiệp lắp ráp, kinh doanh xe tải trong VAMA chủ yếu chiếm lĩnh ở phân khúc xe tải nhẹ như Thaco Truck, Suzuki, VEAM, Vinamotor… Chỉ có ISUZU và Hino là tập trung vào phân khúc tải nặng và trung bình.

Trong khi đó còn nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại (xe tải, xebus) không tham gia, đặc biệt là thiếu vắng hầu hết những doanh nghiệp nhập kinh doanh xe tải lớn.

Những doanh nghiệp lớn không tham gia VAMA có thể kể đến như Hyundai Thành Công, BMW Việt Nam, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), Ô tô Đô Thành, Ô tô TMT, Tracomeco…

Thaco Truck cũng có nhiều sản phẩm ở phân khúc xe tải nặng nhưng lượng tiêu thụ chính ở các dòng xe nhẹ. Thaco chiếm khoảng 60-70% lượng xe tải tiêu thụ của thành viên VAMA.

Năm 2013, số xe tải mà các thành viên VAMA tiêu thụ trong năm 2013 là hơn 24.600 chiếc, chiếm ¼ số xe tiêu thụ của toàn hiệp hội. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng tiêu thụ xe tải của VAMA đạt 13.500 xe, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.

(Nguồn: Hải quan)

Xe tải nhập khẩu: Xe Trung Quốc lên ngôi

Trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu tăng trưởng tới 60% trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 24%. Sự lớn mạnh của thị trường ôtô nhập khẩu đang dần khẳng định như một xu hướng không thể tránh khỏi ở bối cảnh thuế nhập khẩu đang vào lộ trình cắt giảm trong khi các nhà máy lắp ráp chưa có được lực đẩy mạnh mẽ nào.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng xe nhập khẩu cả nước đạt 25.774 chiếc, trị giá 545 triệu USD.

Trong đó, lượng xe tải nhập khẩu đạt 10.650 chiếc, trị giá 245 triệu USD và số xe nhập khẩu từ Trung Quốc – chủ yếu là xe tải - đạt hơn 4.600 xe, gần gấp đôi mức 2.000 xe của cùng kỳ năm 2013. Giá trị nhập khẩu thậm chí tăng gần gấp 3, từ 69 triệu USD 185 triệu USD.

(Nguồn: Hải quan)

Một trong những lý do xe tải Trung Quốc ngày càng tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa là giá thành rẻ hơn so với xe của Hàn Quốc, Nhật Bản. Những thương hiệu xe tải Trung Quốc phổ biến nhất hiện có Dongfeng, Sinotruk, FAW, JAC, Chenglong… và xe Foton được lắp ráp, kinh doanh bởi Thaco Truck. Các thương hiệu Trung Quốc thường là xe có tải nặng và trung bình, xe đầu kéo, xe chuyên dụng.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh xe Trung Quốc nhưng số doanh nghiệp quy mô lớn không nhiều. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như CTCP Đầu tư dịch Hoàng Huy – độc quyền kinh doanh xe Dongfeng, Tập đoàn Tài chính Thương mại Hải Âu – kinh doanh xe Chenglong, Luigong, CTCP XNK Ô tô và xe chuyên dụng Việt Nam (Viettruck)…

Hiện ô tô được nhập khẩu chủ yếu từ 3 quốc gia là Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Xe Trung Quốc dù về số lượng nhỏ hơn nhiều so với 2 nước kia nhưng do chủ yếu là nhập xe tải có giá trị cao nên tổng giá trị nhập khẩu thậm chí còn tương đương nước đứng đầu là Hàn Quốc.

(Nguồn: Hải quan)

Các loại xe tải chính đang tiêu thụ ở Việt Nam có thể phân ra làm 2 nhóm:

(1)   Các thương hiệu của Trung Quốc như Dongfeng, Sinotruk, JAC, FAW, Foton, CAMC…

(2)   Các thương hiệu còn gồm cả của các doanh nghiệp Việt Nam và thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu như Thaco Truck, Vinaxuki, Mitsubishi, Hino, Suzuki, Isuzu, Hyundai, MAN, Kamaz, MAZ…

Nhìn chung không có thương hiệu nào chiếm ưu thế tuyệt đối mà thường chỉ mạnh ở một số dòng xe nhất định.

Chẳng hạn như Suzuki mạnh ở dòng xe tải siêu nhẹ; Dongfeng, Sinotruk mạnh ở dòng xe ben tải trọng lớn hay Freightliner mạnh ở dòng xe đầu kéo…


Kiến Khang

duchai

Cùng chuyên mục
XEM