Hé lộ nhóm ứng phó thảm họa bí mật của tỷ phú sáng lập Google: thành viên xuất thân quân ngũ, trang bị toàn các phương tiện công nghệ cao
Khác với cách làm từ thiện của các tỷ phú khác, nhóm ứng phó của tỷ phú Sergey Brin hướng đến giải quyết các vấn đề thực tế trước mắt, thay vì giải quyết các vấn đề lâu dài của thế giới.
Khi siêu bão Dorian tấn công vào Bahamas tháng Chín năm ngoái, hòn đảo nhỏ Abaco đã trở thành nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bị sức gió mạnh nhất của cơn bão càn quét trong 2 ngày liên tiếp.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi cơn bão qua đi, trước cả khi chính quyền kịp đến, một nhóm phản ứng nhanh với thảm họa đã có mặt tại nơi đây trên một chiếc siêu du thuyền tốc độ cao. Không chỉ chặt bỏ các cây cối ngổn ngang trên đường để người sống sót có thể tìm đường đến với đội y tế, các bác sĩ và y tá đã giúp chữa trị cho gần 1/10 dân số của hòn đảo này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia hải quân của nhóm cứu trợ còn sử dụng hệ thống sonar để thăm dò chướng ngại vật dưới đáy biển, tìm đường để tàu thuyền cứu trợ có thể cập bến, trong khi các chuyên gia hàng không thiết lập hệ thống kiểm soát không lưu di động cho sân bay Abaco đã bị hư hại nặng. Thậm chí nhóm cứu hộ còn cung cấp cả hình ảnh vệ tinh về mức độ thiệt hại cho chính quyền Bahamas.
Một báo cáo mới đây của trang The Daily Beast, nhóm phản ứng nhanh này được triển khai bởi Global Support and Development (GSD), một tổ chức từ thiện bí mật do đồng sáng lập Google, ông Sergey Brin, tạo nên. Điều đặc biệt ở chỗ, khác với các tổ chức từ thiện thông thường, một nửa số nhân viên của GSD có xuất thân từ quân đội và bản thân lực lượng này cũng được điều hành bởi các cựu vệ sĩ của ông Brin.
Nhóm ứng phó thảm họa bí mật của tỷ phú công nghệ
Ý tưởng về GSD bắt đầu từ tháng Ba năm 2015, khi hòn đảo Vanuatu bị cơn lốc xoáy Pam đổ bộ, khiến nhiều hộ dân mất nhà, điện cũng như nước. Tận dụng chiếc du thuyền 80 triệu USD của tỷ phú Sergey Brin đang đỗ ở gần đó, thuyền trưởng của con tàu Mike Gregory cùng Grant Dawson, vệ sĩ riêng của gia đình Brin, đã mang theo một bác sĩ và 5 y tá trên tàu cùng 62 tấn nước ngọt đến để cứu trợ cho người dân trên đảo.
Hai tuần sau đó, nhóm này tiếp tục tham gia cứu trợ vùng Kathmandu vừa bị một trận động đất kinh hoàng tấn công. Các hoạt động cứu trợ của nhóm vẫn âm thầm diễn ra trong các năm sau đó với những thảm họa động đất ở Ecuador và siêu bão Matthew ở Bahamas năm 2016, cũng như hỗ trợ đường không cho tổ chức World Hope International tới Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Caicos năm 2017.
Đến cuối năm 2018, ông Brin chính thức thành lập nên GSD như một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, trong đó ông Brin là người duy nhất được bổ nhiệm ban giám đốc của tổ chức cũng như là người duy nhất tài trợ cho nó. Bên cạnh ông Dawson, ông Eric Powell, một cựu nhân viên an ninh khác của ông Brin cũng được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc.
Kể từ đó đến nay, GSD phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, nhóm này có khoảng 20 nhân viên toàn thời gian, phần lớn đều đã được huấn luyện về y tế, cùng 100 nhà thầu bên ngoài khác.
Các trang bị công nghệ cao như trong Hollywood
Và cũng giống như lực lượng cứu trợ nhân đạo thường thấy của các tỷ phú trong phim ảnh, không chỉ có một nửa đội ngũ nhân viên có xuất thân từ quân đội – những người có thể phản ứng nhanh và hiệu quả với những tình huống phức tạp, ngay cả khi ít thông tin về bối cảnh tại địa phương – họ còn có được sự hỗ trợ từ các trang thiết bị công nghệ cao hiện đại.
Khởi đầu là chiếc siêu du thuyền 80 triệu USD Dragonfly "mượn tạm" của Sergey Brin, cho đến nay nhóm đã có riêng cho mình nhiều du thuyền tốc độ cao khác, trị giá nhiều triệu USD. Bên cạnh đó còn là các máy bay không người lái để quan sát địa hình. Báo cáo của The Daily Beast còn cho biết xung quanh trụ sở của nhóm tại vịnh San Francisco, chất đầy các container vận tải, cùng xe địa hình và các mô tô nước (Jet ski)
Bên cạnh các phương tiện di chuyển thường thấy, ông Brin còn thuê một cựu chuyên gia NASA cùng hợp tác với công ty LTA Research and Exploration, để phát triển một siêu khí cầu mới, với kích thước lớn gấp đôi các khí cầu thường thấy hiện nay. Các khí cầu này sẽ cho phép nhóm cứu trợ tiếp cận đến các khu vực thảm họa dễ dàng hơn bằng đường hàng không.
Siêu du thuyền Dragonfly của Sergey Brin, với chiều dài 73m, một trong những du thuyền nhanh nhất thế giới.
Năm ngoái, công ty này đã đăng ký bay cho một khí cầu có tên Pathfinder 1, hoạt động bằng 12 động cơ điện và có thể chở theo 14 người. Tuy nhiên thay vì sử dụng pin như thường thấy, các động cơ này sử dụng khí hydrogen để giảm trọng lượng.
Nỗ lực từ thiện của những tỷ phú khác thường chú trọng giải quyết các vấn đề sâu sắc của xã hội như tìm nguồn năng lượng mới, chữa trị AIDS, ung thư, hay sản xuất vắc xin như của quỹ Bill Gates, tìm nỗ lực chống biến đổi khí hậu bằng 10 tỷ USD của ông Bezos, hoặc tài trợ tiêm vắc xin cúm cho trẻ em của ông Page, một đồng sáng lập khác của Google.
Trong khi đó, việc thành lập một đội ứng phó thảm họa nhanh, dựa trên các thiết bị công nghệ cao, như của ông Brin là nỗ lực nhân đạo thực tế nhất từ khi tỷ phú Richard Branson từng sử dụng khí cầu riêng của mình cho việc dò tìm các bãi mìn ở Kosovo vào năm 2001. Một điều đáng chú ý nữa là khác với các thông tin công khai thường thấy của những tổ chức từ thiện khác, hoạt động của GSD cũng bí mật giống như hành tung của ông chủ tổ chức này, tỷ phú Sergey Brin.