Mỗi đại lý bán vé máy bay có hàng trăm chân rết

22/01/2014 07:55 AM |

Cơ chế quản lý tài khoản EPR của VNA như hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong đặt chỗ, bán vé đã xảy ra thời gian qua.

Chưa quản được “đại lý thứ cấp”

Hôm qua (21/1), Bộ GTVT đã có kết luận thanh tra về công tác tổ chức bán vé máy bay tại Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines - VNA).

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, hệ thống kênh bán, mạng bán (trực tiếp, gián tiếp) của VNA đa dạng, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu bán vé tàu bay của VNA ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quy định về điều kiện lựa chọn đại lý, cấp bổ sung tài khoản truy cập hệ thống để đặt chỗ, bán vé (tài khoản EPR) có một số điểm không còn phù hợp, nhưng chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung. Do đó, việc lựa chọn đại lý, cấp bổ sung EPR để triển khai mạng bán còn hạn chế, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của VNA.

Cũng theo kết luận thanh tra, mặc dù hệ thống đã có giới hạn về thời hạn xuất vé, tuy nhiên do không giới hạn số chỗ đặt trên một chuyến bay tại một thời điểm và cho phép EPR của đại lý có thể đặt chỗ dự bị khi trên hệ thống báo hết chỗ. Điều này có thể bị lợi dụng, đặt giữ chỗ khống, gây khan hiếm giả tại một số thời điểm nhất định. Vi phạm về đặt chỗ khống sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA và quyền lợi của khách hàng.

Theo quy định của VNA và hợp đồng với đại lý, đại lý phải có trách nhiệm sử dụng EPR theo đúng quy định, không tiết lộ cho bên thứ ba User (tên truy nhập) và password (mật khẩu) hoặc các thông tin thu thập được từ chương trình Sabre, có quy định về xử lý khi đại lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài khoản PNR. Tuy nhiên, VNA chỉ quản lý đại lý chỉ định, chưa quản lý, kiểm soát các “đại lý thứ cấp” sử dụng chung tài khoản VNA cấp cho các đại lý chính thức.

Tự do mở đại lý?!

Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường cho biết, có 3 đại lý được thanh tra là FC Việt Nam, Én Việt Hà Nội và Hoàng Kỳ thì đều không thực hiện đúng quy định của VNA về quản lý, sử dụng tài khoản EPR. Thực tế, ngoài việc tổ chức bán vé trực tiếp cho VNA, các đại lý là cấp trung gian, đứng ra xin cấp tài khoản EPR, sau đó mở rộng mạng bán thông qua việc chuyển EPR cho bên thứ ba (doanh nghiệp, cá nhân) khai thác, sử dụng. 

Cụ thể, FC Việt Nam chuyển 134 EPR, Én Việt Hà Nội chuyển 129 EPR, Hoàng Kỳ chuyển 133 EPR. Việc không quản lý, kiểm soát tài khoản EPR dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị, cá nhân lợi dụng, tự do mở các đại lý với tên khác và lấy thương hiệu của VNA để kinh doanh bán vé.

“Cơ chế quản lý tài khoản EPR của VNA như hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong đặt chỗ, bán vé đã xảy ra thời gian qua. Vi phạm đặt chỗ sẽ tạo tình trạng khan hiếm vé ảo, đặc biệt trong những thời kỳ cao điểm, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng cũng như hoạt động kinh doanh của VNA” – Kết luận của Thanh tra Bộ nêu rõ.

Minh bạch tiêu chuẩn chọn đại lý

Bộ GTVT yêu cầu VNA cần sửa đổi, bổ sung quy định chung về tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn đại lý. Công khai, minh bạch các điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn đại lý, trách nhiệm và lợi ích khi tham gia hệ thống bán của VNA. Quy định mới phải bảo đảm mục tiêu thuận lợi để phát triển mạng bán, đồng thời VNA phải quản lý, kiểm soát được việc đặt chỗ, bán vé của đại lý.

Ngoài ra, VNA phải có ngay biện pháp quản lý chặt chẽ tài khoản EPR cấp cho các đại lý, đặc biệt là quản lý các tài khoản có chức năng xuất vé, các tài khoản này cần quản lý về ứng dụng/phần mềm đầu cuối thực hiện xuất vé.

Bộ GTVT yêu cầu, trên cơ sở hệ thống hạ tầng được củng cố và kiểm soát, VNA tiến hành nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách và có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài khoản EPR của các đại lý chỉ định nhằm tạo điều kiện phát triển mạng bán, nâng cao khả năng cạnh tranh của VNA, đồng thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Theo Thu Phương

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM