Hãng chuyển phát 27 năm không tăng giá cước và thế khó của kinh tế Nhật Bản

13/06/2017 13:26 PM | Kinh doanh

Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên trong 27 năm, Yamato thông báo bắt đầu từ tháng 10 sẽ tăng giá cước cơ bản áp dụng cho các khách hàng cá nhân. Một số người nhìn nhận động thái nói trên là 1 dấu hiệu cho thấy Abenomics – bộ chính sách kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe đang triển khai để kéo nền kinh tế khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài mấy thập kỷ - đang tỏ ra hiệu quả.

Đến tháng 11 năm ngoái, cuối cùng thì Hirotaka Yokota cũng cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa.

Ông nói với Yamato Transport rằng các lái xe của mình sẽ không đi giao hàng nữa. Họ bị công ty chuyển phát lớn nhất Nhật Bản vắt kiệt sức với khối lượng đơn hàng từ những nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon tăng vọt trong khi có thể kiếm được công việc có lương cao hơn mà không phải chịu đựng những ca làm việc kéo dài tới 15 tiếng.

“Ngày càng có nhiều nhà thầu phụ đưa ra những cuộc đối thoại kiểu đó”, Yokota – người đang điều hành Artpla Ltd., công ty chuyển phát từng làm nhà thầu phụ cho Yamato nói. “Yamato đang bị mất hết đối tác và giờ phải phụ thuộc vào nhân công của chính họ. Mọi thứ khá tồi tệ”.

Thế nhưng động thái tiếp theo của Yamato đã khiến Yokota và nhiều người khác phải ngạc nhiên. Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên trong 27 năm, Yamato thông báo bắt đầu từ tháng 10 sẽ tăng giá cước cơ bản áp dụng cho các khách hàng cá nhân. Công ty có trụ sở ở Tokyo cũng bắt đầu đàm phán với Amazon Nhật Bản và các khách hàng lớn khác.

Một số người nhìn nhận động thái nói trên là 1 dấu hiệu cho thấy Abenomics – bộ chính sách kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe đang triển khai để kéo nền kinh tế khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài mấy thập kỷ - đang tỏ ra hiệu quả. Với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,8%, thấp nhất kể từ 1994, cuối cùng thì tiền lương cũng phải tăng lên khi nguồn cung lao động khan hiếm. Đây cũng chính là chu kỳ mà Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda mong muốn: giá tăng đẩy tiền lương tăng, từ đó giúp tăng chi tiêu.

Nhưng cũng có một lập luận khác: trường hợp của Yamato phản ánh rõ nét một vấn đề đang kéo Abenomics tụt lùi. Sở dĩ Yamato phải giữ nguyên giá cước trong thời gian dài như vậy là bởi vì nó đang vướng vào một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, khiến tăng giá không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Nhưng lựa chọn không tăng giá chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và cuối cùng Yamato đã phải từ bỏ cách tiếp cận này.

“Trước đây, cuộc chiến là về thị phần. Chúng tôi chấp nhận mức giá thấp để giành thị phần. Còn tình hình hiện tại đã khác”, Hideo Murata – người phụ trách mảng PR của Japan Pos, công ty chuyển phát lớn thứ 3 Nhật Bản với thị phần 14% - nói.

Tuy nhiên Yasuharu Kosuge, lãnh đạo của Yamato, không đồng tình với ý tưởng này. Theo ông, Yamato không tập trung vào việc giành thị phần, đồng thời điều kiện làm việc ở Yamato thuộc hàng tốt nhất trong ngành logistics. Công ty cũng đã đưa ra một vài giải pháp, như dành 19 tỷ yên đền bù cho khoảng 47.000 nhân viên chưa được nhận tiền làm thêm giờ trong 2 năm trước.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, 60.000 lái xe của Yamato cùng với đội ngũ nhân viên từ nhà thầu phụ đã vận chuyển 1,8 tỷ kiện hàng. Những nhân viên mặc bộ đồng phục xám trắng và đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh in logo hình con mèo đen đang tha con đã trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản. Nhân viên của Yamato cũng trở thành biểu tượng về sự chăm chỉ của người Nhật Bản.

Các công ty chuyển phát ở Nhật Bản cung cấp những dịch vụ có chất lượng tốt mà bạn khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Thời gian giao hàng có thể xê dịch 2 giờ, nếu người nhận không ở nhà, người giao sẽ để lại số điện thoại di động và cố gắng trực tiếp giao lại hàng bởi người Nhật muốn tự tay ký nhận thay vì để hàng ở trước cửa nhà như phương Tây.

Thực trạng lương thấp và tính chất công việc vất vả khiến các công ty như Yamato gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng. Lái xe tải nhỏ kiếm được khoảng 3,9 triệu yên mỗi năm, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình ngành trong khi họ làm việc trung bình 2.580 giờ mỗi năm so với mức 2.124 giờ trung bình tất cả các ngành.

Dù chi phí tiền lương khá thấp và ghi nhận doanh thu năm ngoái tăng 20% so với năm 2008, lợi nhuận của Yamato lại sụt giảm.

Yamato vẫn có những lựa chọn để tăng năng suất, ví dụ như lập các hộp giao hàng ở các bến tàu và trường đại học để khách có thể lấy hàng trên đường về nhà. Pháp luật Nhật không quy định để hàng trước cửa nhà khách là phạm pháp, nhưng về mặt truyền thống văn hóa thì điều đó không nên xảy ra.

Yamato cũng đang thử nghiệm thiết bị không người lái sẽ dừng lại trước cửa nhà khách vào đúng thời gian hẹn trước. Người nhận sẽ tự ra nhận hàng. Tuy nhiên, Ryota Himeno, chuyên gia phân tích tại Citigroup, nhận định khó có thể chắc chắn rằng những biện pháp này có thể giúp Yamato tăng lợi nhuận.

Về phần mình, Yokota chia sẻ sửa chữa những vấn đề của ngành logistic Nhật Bản nằm ngoài khả năng của bản thân. Ông đang thử nghiệm những cách quảng cáo khác để thu hút người lao động. Nhưng dù sao thì cũng đã có một tín hiệu tốt xuất hiện: Yamato vừa liên lạc lại với Yokota, vài tháng sau khi hai bên ngừng hợp tác.

“Họ đưa ra một vài điều khoản khá tốt mà trước đây tôi chưa từng tưởng tượng ra”, ông nói.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM