Hàng chục dự án BOT vào tầm ngắm kiểm toán trong năm 2017

07/12/2016 19:49 PM | Xã hội

Hàng chục dự án BOT, các công trình giao thông lớn và doanh nghiệp “cỡ bự” đều trong danh sách sẽ được kiểm toán trong năm 2017.

Kiểm toán 20 dự án BOT

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, đáng chú ý là các dự án trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư.

Tại lĩnh vực này, trong 83 dự án sẽ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chọn 20 dự án BOT vào tầm ngắm năm 2017.

Cụ thể, một số dự án được nhắc tên là: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Dự án đầu tư cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô trên Quốc lộ 2; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh - nút giao Vực Vòng,…

Ngoài 20 dự án BOT, một số dự án giao thông đáng chú ý trong diện kiểm toán như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau; Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng,…

Về kiểm toán chuyên đề, kế hoạch vừa công bố cho thấy, cơ quan chức năng đã lựa chọn 27 chuyên đề.

Đáng chú ý trong lĩnh vực kiểm toán này có thể kể tới chuyên đề: Công tác quản lý nợ công năm 2016. Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, chuyên đề này nhằm đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công năm 2016. Ngoài ra, phía Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ xem xét tính đồng bộ, đầy đủ, hợp lý, khả thi trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nợ công, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ.

Ngoài ra, một số chuyên đề đáng chú ý là: Công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ giai đoạn 2015 – 2016; Công tác quản lý, sử dụng đất Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.

Cũng trong diện chuyên đề, đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020” hay đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” giai đoạn 2015-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được kiểm toán.

Sẽ “sờ” tới ông lớn nào?

Một mảng khác luôn nhận được nhiều sự quan tâm là lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn Nhà nước trong đó bao gồm công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Những cái tên lớn được nhắc tới là: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn,…

Cũng trong diện này, một số ngân hàng thuộc kế hoạch kiểm toán bao gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần: Công Thương Việt Nam (Viettinbank), Ngoại thương Việt Nam (VCB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Đặc biệt, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém (các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) cũng sẽ là nội dung được phía Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá. Cụ thể, theo kế hoạch, hai ngân hàng là Đại Dương (Ocean Bank) và Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) sẽ được kiểm toán trong năm 2017.

Tổng cộng, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán tại 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 8 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Theo Xuân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM