Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm tại 5 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”
Đó là một trong những nội dung quan trọng đưa ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường ASEAN; chủ trì xây dựng phương án, giải pháp ứng phó trước các diễn biến liên quan đến TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà ta đã ký kết đối với từng lĩnh vực, ngành hàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2016.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, trước mắt là hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Khẩn trương có giải pháp xử lý đối với 5 dự án đầu tư không hiệu quả đã báo cáo Quốc hội, bảo đảm thu hồi tối đa vốn và tài sản của nhà nước, xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản. Cụ thể, các dự án này là:
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án Mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco; và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 5 dự án này được đầu tư từ năm 2008 đến nay, các dự án này đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tổng kết mô hình khoán xe công để nhân rộng mô hình này, bảo đảm hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Trong năm 2017, từng bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhất là kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, kinh phí mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền để dành nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến phòng, chống tiêu cực trong cổ phần hóa, nhất là giá trị lợi thế quyền được thuê đất, giao đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.