Hãm đà tăng CPI

17/06/2016 16:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2016 đã qua gần nửa chặng đường. 5 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng. Đã đến lúc cần có các kịch bản để chủ động hãm đà tăng của CPI.

Trong 5 tháng liên tiếp, mặc dù với mức tăng không đáng kể nhưng CPI đã liên tục tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2016 tăng 0,54% so với tháng 4-2016. Đây là tháng có tốc độ tăng CPI cao hơn mức tăng cùng kỳ của 5 năm trở lại đây. CPI tháng 5 so với tháng trước của 4 năm gần đây đều có mức tăng thấp. Ví như năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 lại giảm 0,06%, 2014 và 2015 đều tăng thấp ở mức 0,2% và 0,16%.

Nếu so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 5-2016 tăng 1,88%. Để giữ tốc độ tăng CPI dưới 5% như mục tiêu Quốc hội đề ra, thì con số 1,88% vẫn là chỉ số nằm trong vùng an toàn. Song, nếu nhìn vào thành công của năm 2015 khi CPI chỉ tăng ở mức 0,63% - mức thấp nhất trong 14 năm qua- thì những con số cứ tịnh tiến của 5 tháng đầu năm nay quả đáng lo.

Nguyên nhân tăng chỉ số giá tiêu dùng có nhiều, nhưng mỗi tháng mỗi vẻ. Nhóm lương thực tăng do thương lái thu gom lúa gạo; giá xăng dầu tăng; giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng; dịp lễ, tết… đều khiến CPI nhích lên.

Dư địa tăng của CPI những tháng cuối năm còn nhiều, như: Dịp khai giảng năm học mới; điều chỉnh tăng viện phí chia làm nhiều đợt trong năm, bắt đầu từ tháng 8 tới đây; giá xăng dầu thế giới dự báo trong thời gian tới biến động theo chiều hướng tăng... Các yếu tố này đều là mối nguy khiến CPI tăng.

Với kinh nghiệm điều hành nhiều năm kìm cương khi lạm phát tăng phi mã, ngay từ đầu năm, cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính đã có nhiều kịch bản giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo cơ quan quản lý giá, vẫn còn nhiều dư địa trong điều hành để giữ lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Mới đây, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo vẫn tiếp tục thực hiện theo lộ trình. Trong đó chú trọng đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để tránh gây đột biến tới mặt bằng giá cả thị trường năm 2016.

Lường trước ảnh hưởng của việc tăng giá viện phí, Bộ Y tế đã quyết định tăng viện phí chia thành 5 đợt và mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8-12 tỉnh, thành phố. Cơ quan này cũng tính toán khi tăng giá dịch vụ y tế chỉ có tác động vào CPI từ nay đến cuối năm ở mức dưới 2%.

Không quá lo ngại, một số chuyên gia kinh tế dự báo CPI năm 2016 sẽ tăng khoảng 4%. Dự báo, nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động đột biến trong thời gian tới.

Giảm phát hay lạm phát đều không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, trong cân đối điều hành, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục coi trọng công tác dự báo và kịch bản kiểm soát CPI để chủ động hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM