Hai năm sau khi bị “vùi dập” trên Shark Tank, startup xe máy điện Dat Bike gọi vốn thành công 2,6 triệu USD, tăng trưởng 35%/tháng
Trong vòng 2-3 năm tới, Dat Bike có kế hoạch mở rộng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á, với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư.
Ngày 13/4, chuyên trang tin tức về công nghệ TechCrunch đưa tin startup Dat Bike vừa huy động thành công 2,6 triệu USD tại vòng pre-series A, được dẫn đầu bởi quỹ Jungle Ventures, cùng Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Dat Bike là Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Anh bắt đầu học cách chế tạo xe máy điện từ các bộ phận phế liệu khi đang làm kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon. Năm 2018, Nguyễn Bá Cảnh Sơn trở về Việt Nam và thành lập Dat Bike.
Hiện nay, hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sở hữu xe hai bánh, nhưng phần lớn chạy bằng khí đốt. Chia sẻ với TechCrunch, CEO Dat Bike cho biết nhiều người muốn chuyển sang xe máy điện, nhưng gặp trở ngại lớn là hiệu suất. Trong khi đó, những chiếc xe của Dat Bike cho hiệu suất cao gấp 3 lần (5 kW so với 1,5 kW) và phạm vi hoạt động gấp 2 lần (100 km so với 50 km) so với hầu hết các loại xe máy điện trên thị trường, ở cùng một mức giá.
Ngoài ra, một lợi thế khác của Dat Bike là các dòng xe của hãng được sản xuất trong nước, hầu hết đơn vị cung cấp linh kiện đều là nhà sản xuất địa phương. Do đó, công ty có thể chủ động trong dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng.
Xe máy điện Weaver của Dat Bike
Sản phẩm điển hình của công ty là chiếc xe máy điện Weaver. Vị CEO cho biết chiếc xe này có chỗ ngồi cho hai người, động cơ 5000W, giúp tăng tốc từ 0 đến 50 km/h trong ba giây. Weaver có thể được sạc đầy tại một ổ cắm điện tiêu chuẩn trong khoảng ba giờ và đi được tới 100 km chỉ với một lần sạc (lần lặp lại tiếp theo của xe máy sẽ đi được 200km trong một lần sạc).
Weaver có giá 39,9 triệu đồng (tương đương khoảng 1.700 USD), tương đương với mức giá trung bình của những chiếc xe máy xăng. Dat Bike cũng đang hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để cung cấp cho người tiêu dùng gói thanh toán 12 tháng không lãi suất.
Tháng 12/2020, startup này đã mở cửa hàng đầu tiên tại Tp.HCM. CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết đã có vài trăm chiếc xe được chuyển đến tay khách hàng và hiện vẫn còn những đơn hàng chưa xử lý. Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng trưởng 35%/tháng sau khi khai trương cửa hàng.
Trong vòng 2-3 năm tới, Dat Bike có kế hoạch mở rộng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á, với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư.
Nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 3.
Trước đó, Dat Bike từng để lại nhiều ấn tượng khi tham gia gọi vốn tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 (2019). Tại thời điểm đó, Dat Bike đã có nhà máy đặt tại Đà Nẵng với công suất 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã phải hứng chịu màn vùi dập không thương tiếc từ dàn "cá mập". Trong khi chiếc xe điện của Dat Bike bị shark Việt chê nguy hiểm thì shark Bình cho rằng startup này đang tạo ra một sản phẩm mà chưa chắc người tiêu dùng đã cần, có cũng được không có cũng được.
May mắn, đến cuối cùng, CEO Dat Bike cũng nhận được cái gật đầu từ shark Hưng, với thỏa thuận 60.000 USD cho 2% cổ phần công ty, kèm 2% ESOP có điều kiện đi kèm. Tình hình kinh doanh của startup này vẫn khá lạ quan khi theo thông tin từ Shark Tank Việt Nam, sau 1 năm, số lượng thành viên trong công ty Dat Bike đã tăng gấp 5 lần so với lúc mới hoạt động.
Trong năm 2020, công ty đã vượt qua kiểm định của Bộ Giao Thông Vận tải, tiến hành hoàn tất giao xe cho các khách hàng đặt mua, doanh thu tăng trưởng 4.000%. Đồng thời, startup này cũng mở rộng quy mô nhà xưởng ở Bình Dương, với công suất sản xuất lên đến 1.000 xe/tháng.