Hà Nội bỏ “giờ giới nghiêm”: Việc quản lý đêm có khi dễ hơn ban ngày!

12/08/2016 09:44 AM | Xã hội

Đó là quan điểm của Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ khi trao đổi với chúng tôi về chủ trương bỏ “giờ giới nghiêm” của Hà Nội.

- Hà Nội chủ trương tới đây sẽ cho phép người dân và du khách chơi thâu đêm thay vì chỉ được phép ở các tụ điểm vui chơi đến 24h như hiện nay. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Nguyễn Hùng Vỹ: Nói đến Hà Nội là nói đến cả những huyện thị ngoại thành, những vùng giáp ranh đang đô thị hoá, các khu chung cư mới mọc lên, xa xôi như Ba Vì, gần cạnh như phố cổ. Có nơi có cho đi chơi thâu đêm suốt sáng cũng chả có chỗ mà chơi, có nơi có cấm thì người ta cũng đóng cửa vào mà chơi được.

Còn đối với người chơi cũng thật đa dạng, có người chơi là chơi, có người tưởng chơi nhưng chính lại đang làm. Trừ một số thời gian đặc biệt, như tôi thấy, muốn ra đường đi dạo, ngắm phố vắng, hồ đêm, tận hưởng những đợt sương đầu thu khuya khoắt thì chả ai cấm tôi cả. Tôi không bao giờ phải đón đợi sự cho phép hay không cho phép cả.

- Với chủ trương bỏ 'giờ giới nghiêm', Hà Nội kỳ vọng sẽ thu hút du khách đến với thành phố. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Đây chính là vấn đề nhờ chuyển đổi thời gian du lịch mà gia tăng hiệu quả kinh tế du lịch. Việc có thu hút khách hay không tuỳ thuộc vào sản phẩm du lịch đêm. Ẩm thực, văn hoá phải thay đổi đồng bộ.

Tôi thích đón bạn Sài Gòn ra vào đợt rét đầu tiên và chúng tôi co ro lượn phố vắng Hà Nội vào khoảng 1h sáng, sau đó tìm một xe hàng rong ăn tí gì đó cho vui. Yếu tố thu hút thì số một vẫn là nhân phẩm con người. Ấy thế mà điều này hơi bị khó.

- Mặc dù không ít người đồng tình nhưng vẫn có một số ý kiến lo ngại việc bỏ "giờ giới nghiêm" này của Hà Nội sẽ làm phát sinh một số tệ nạn. Liệu điều này có xảy ra không?

Đúng là tệ nạn càng ngày càng nhiều, đặc biệt ở những quận mới, ở những khu giáp ranh đang đô thị hoá, ở những khu công nghiệp ngoại thành...Song có lẽ, ở các vùng trung tâm, điện sáng như ban ngày, thì đêm và ngày hầu như không còn phân biệt.

Nó chỉ phân biệt là các dịch vụ văn hoá phục vụ ít hơn, muốn vào bảo tàng, nhà hát, công viên, di tích sau 24h nhưng người ta đóng cửa. Còn môi trường cho tệ nạn phát sinh thì ở đó, ngày cũng như đêm.

- Có ý kiến cho rằng, Hà Nội không nên gỡ bỏ hoàn toàn ‘giờ giới nghiêm’ mà chỉ nên cấp phép cho một số địa điểm đủ điều kiện để quản lý. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Bắt đầu từ điểm rồi lan ra diện rộng, đó là bước đi thận trọng. Tuy nhiên, dù là đêm hay ngày thì cái gì pháp luật đã cấm thì đều không được vi phạm. Việc quản lí thì có khi đêm lại dễ hơn là ban ngày vì đêm ít người lộn xộn hơn, dễ phát hiện và xử lí hơn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Theo Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM