Gửi tiết kiệm dài hạn 6 tháng trước, 9x 'tiếc đứt ruột' khi lãi suất ngân hàng tăng tới 10%/năm
Hồi tháng 5, các ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất tăng mạnh so với năm 2021, nhiều người lựa chọn gửi tiết kiệm dài hạn để yên tâm với một khoản tích lũy ổn định. Nhưng tới hiện hiện, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã lên tới 10%, khiến họ không khỏi băn khoăn, tiếc nuối
Một câu chuyện có lẽ nỗi lòng của nhiều người.
Trên một group chuyên chia sẻ về việc tiết kiệm, đầu tư dành cho phụ nữ, chị Minh Hạnh, 32 tuổi, là nhân viên văn phòng chia sẻ sự băn khoăn khi chứng kiến mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Gia đình chị Minh Hạnh, 32 tuổi, nhân viên văn phòng có tổng mức thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 40 triệu/tháng. Không quá rành rẽ đầu tư, nên ngoài phần chi tiêu hàng ngày, chị Hạnh ưu tiên mua vàng và gửi tiết kiệm để tích lũy.
Hồi tháng 5/ 2022, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động mạnh mẽ so với nửa năm trước đó, chị Hạnh quyết định dùng toàn bộ số tiền tích lũy được gửi tiết kiệm (300 triệu đồng) với mức lãi suất 6,4%, kỳ hạn 1 năm. Theo đó, dự kiến đến tháng 5/2023 chị Hạnh sẽ có số tiền lãi 19,2 triệu đồng.
Những tưởng với kỳ hạn tiết kiệm tương đối như vậy, chị Hạnh có thể yên tâm rằng sẽ có một món tiền tích lũy an toàn. Tuy nhiên, đến sáng 22/11, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng được điều chỉnh mạnh, có ngân hàng nâng mức lãi suất lên tới 10%/năm. Điều này khiến chị Hạnh nhấp nhổm không yên.
Biển lãi suất cao nhất tại GPBank ngày 21/11/2022, Ảnh chụp: Văn Tuệ
Cụ thể, ngân hàng có mức lãi suất cao nhất mới cập nhật biểu lãi suất mới ngày 21/11/2022 là 9,6%/năm, dành cho khách hàng tham gia tiết kiệm online kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Đối với tiền gửi tại quầy, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8,95%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế gửi tiền theo kỳ hạn 13 tháng, có 1 sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi tại GPBank từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo công ty chứng khoán MB (MBS) lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tính từ đầu tháng 11 ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh. Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao.
Như vậy tính ra, nếu như giữ nguyên sổ tiết kiệm 300 triệu đồng, lãi suất 6,4% đến tháng 5/2023, chị Hạnh sẽ "mất" một khoản lãi không hề nhỏ.
Chị Hạnh tính toán, nếu quyết định tất toán sổ tiết kiệm để gửi lại với mức lãi suất cao hơn, chị Hạnh cũng bị mất toàn bộ số lãi tích lũy trong 6 tháng qua (9,6 triệu đồng). Nhưng bù lại, nếu gửi ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 10%, tới tháng 5/2023, chị Hạnh có thể thu về số lãi 15 triệu đồng.
Theo tư vấn của một người bạn thân thiết, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, chị Hạnh quyết định tất toán sổ tiết kiệm trước kỳ hạn, chấp nhận mất phần lãi suất tích lũy cũ để gửi tài khoản tiết kiệm mới với mức lãi suất tốt hơn. Chị Hạnh cũng quyết định, sẽ chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng để vừa có mức lãi suất tốt hơn, vừa để nghe ngóng tình hình sau đó mới quyết định tiếp.
Kỳ hạn gửi tiền tiết kiệm dài hay ngắn phụ thuộc vào khả năng tài chính cũng như số tiền nhàn rỗi của bạn. Vì thế, việc xác định rõ ràng thời gian và mục tiêu gửi tiết kiệm sẽ giúp bạn cụ thể hóa việc tiết kiệm của mình cũng như có một chiến lược tiết kiệm khôn ngoan hơn. Với chị Hạnh, kinh nghiệm vừa qua đã khiến chị có những cân nhắc và quyết định sáng suốt hơn khi giữ tiền!