Gửi tiết kiệm 500 triệu với lãi suất hiện nay bao lâu để được 1 tỷ?

25/03/2016 14:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Có một nguyên tắc vàng nên "nằm lòng" đối với những người có nguồn tiền nhàn rỗi - nguyên tắc 72.

Nguyên tắc vàng - con số 72

Theo công thức chuẩn về lãi kép: Số tiền thực nhận = Số tiền gửi ban đầu x (1+ lãi suất)^n (n: thời gian gửi tiền).

Tuy nhiên sau khi biết thêm một "công thức vàng" sau, nhiều người sẽ quên ngay công thức tính lãi suất đầy học thuật trên.

Đó là dùng nguyên tắc 72, lấy 72 chia cho số lãi suất năm được hưởng để tính ra số năm mà tiền gửi sẽ tăng lên gần gấp đôi.

Đây là chia sẻ của một cựu nhân viên ngân hàng trên một diễn đàn gần đây. Theo chị: "Trước đây, tôi đã gửi 500 triệu với lãi suất 11% một năm, thì muốn tăng lên 1 tỷ tôi sẽ phải gửi khoảng hơn 6 năm rưỡi (72:11= 6,54 năm)".

Với cách tính này có thể dễ dàng ước tính được khoản tiền sinh lời sau khoảng thời gian nhất định. Bởi theo tâm lý kỳ vọng của người gửi tiền thì khoản tiền lãi nếu được tính trước sẽ có thêm động lực tiết kiệm, không xài phung phí cũng như xây dựng kế hoạch phân bổ tài chính.

Theo kiểm chứng của chúng tôi, nguyên tắc 72 trên với hầu hết các trường hợp đều cho ra kết quả đúng với công thức chuẩn. Cụ thể với trường hợp trên, giả sử gửi 500 triệu đồng trong 6,54 năm số tiền nhận được cả gốc lẫn lãi sẽ là: 500 triệu đồng x (1 +11%)^ 6,54 = 990 triệu đồng, xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên công thức học thuật trên lại khá "đau đầu" và không hề đơn giản với các đối tượng khách hàng phổ thông. Do vậy, nguyên tắc 72 được xem là một nguyên tắc vàng đối với những người gửi tiền.

Gửi 500 triệu thành 1 tỷ phải mất 10 năm

Câu chuyện của một bà mẹ - cựu nhân viên ngân hàng có 500 triệu đã gửi tiền tiết kiệm hơn 6 năm sau chị có 1 tỷ đồng trong tay như đã đề cập bên trên quả là một kết quả đáng kỳ vọng, vừa an toàn vừa hiệu quả. Tuy nhiên, thời điểm chị bắt đầu gửi tiết kiệm từ 6 năm trước khi đó, tức là vào năm 2010, khi đó lãi suất trên hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, hiện tượng các ngân hàng "đi đêm" vẫn còn nhiều.

Song đến nay, với số tiền 500 triệu gửi tiết kiệm để gấp đôi số tiền này sau 6,54 năm là điều không thể. Bởi lãi suất huy động đã giảm mạnh về 7-7,5%/năm.

Ví dụ, nếu gửi 500 triệu với lãi suất 7,2%/năm để trở thành 1 tỷ sẽ mất khoảng 10 năm. Theo nguyên tắc 72, 72/7.2= 10 năm)( và theo công thức tính lãi chuẩn 1 tỷ = 500 triệu đồng x (1+ 7.2%) ^10).

Như vậy với những người không ưa mạo hiểm, thứ họ đầu tư duy nhất là thời gian, sau 10 năm sẽ có trong tay 1 tỷ đồng. Tuy nhiên dưới góc độ của những người đầu tư thì đây không phải là kênh hấp dẫn. 10 năm nhận số tiền gấp đôi ban đầu trong khi nếu mạo hiểm đầu tư ở những kênh khác như vàng, bất động sản chứng khoán, họ có thể khuếch đại con số này hơn nhiều lần nếu may mắn và đầu tư khôn ngoan trong cùng khoảng thời gian 10 năm.

Đây cũng là một thực tế hiển nhiên chứng minh cho câu nói "high risk, high return". Gửi tiết kiệm vẫn được khuyến cáo là giải pháp an toàn nhất, chắc ăn nhất của mọi người, còn nếu đầu tư vào những kênh khác, rủi ro xảy ra bất cứ lúc nào nhưng lợi nhuận sinh lời có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Theo Kim Tiền

Cùng chuyên mục
XEM