14h chiều nay, tòa tuyên án vụ Vinasun kiện GrabTaxi: Grab có phải bồi thường 41 tỷ đồng?
Theo dự kiến, TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vụ kiện giữa Viansun và Grab vào 14h chiều nay, 29/10. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận.
Vụ kiện tụng tốn nhiều giấy mực
Ngày 17/10, TAND TP.HCM đã mở lại phiên toà xét xử vụ kiện dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Sau hơn 1 năm Vinasun chính thức đâm đơn kiện, đây là lần thứ 4 vụ án này được đưa ra xét xử sau 3 lần hoãn phiên toà để thu thập, bổ sung, xem xét chứng cứ để làm rõ các nội dung của vụ án.
Dư luận một lần nữa dấy lên nhiều luồng tranh luận trái chiều khi Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng. Diễn biến mới nhất này khiến vụ kiện đang trở thành tâm điểm của dư luận và giới công nghệ trong vài ngày gần đây.
Phía Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở xác định Grab là chủ doanh nghiệp thực thụ trong việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi vì dù công ty này hoạt động theo đề án thí điểm của Bộ GTVT với tư cách là đơn vị cung ứng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng trong thực tế, Grab không đơn thuần là đơn vị kết nối, bán phần mềm và vẫn điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải trong đó Grab trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước,…
Thêm vào đó, Grab có hành vi khuyến mại trái quy định như: tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá vượt quá 90 ngày/năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày. Đồng thời, Grab đã vi phạm khi không bảo mật thông tin của khách hàng, ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp ngoài địa bàn được thí điểm.
Nhiều số liệu cho thấy Vinasun bị thiệt hại trên thị trường taxi bao gồm kết quả nghiên cứu cho thấy có 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của Công ty Cửu Long, số lượng xe của Grab gần 13.000 xe. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM chấp nhận toàn bộ yêu cầu được bồi thường của Vinasun.
Sẽ thế nào nếu Grab buộc phải bồi thường cho Vinasun?
Hiện chưa rõ, hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết thế nào cho vụ kiện tốn nhiều giấy mực này. Theo dự kiến, TAND TP.HCM sẽ chính thức đưa ra phán quyết cuối cùng vụ kiện giữa Viansun và Grab vào 14h chiều nay, 29/10.
Về phía Grab, người đứng đầu doanh nghiệp, ông Jerry Lim vẫn cho rằng: "Hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam không thể là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận. Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục đích mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam". Vị này cũng đồng thời tỏ ra lạc quan tin vào phán quyết sơ thẩm của Tòa án.
Một số ý kiến cho rằng, nếu Grab thua kiện và buộc phải bồi thường cho Vinasun 41 tỷ đồng thì Grab và các ứng dụng gọi xe mới nổi sẽ khó sống ở Việt Nam.
Trong tâm điểm vụ kiện, các ứng dụng này cũng đang gặp khó khi Bộ GTVT trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đưa các ứng dụng gọi xe về chung một giỏ với taxi truyền thống để "dễ bề" quản lý.
Cũng trong ngày 25/10, Grab đã gửi tâm thư cho Thủ tướng bày tỏ quan ngại về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Theo đó, trong bức thư Grab tha thiết mong muốn Ngài Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại.