[Góc nhìn] CEO 8X Clingme: Bphone, Vinfast có phải “made in Vietnam” hay không chẳng quan trọng, quan trọng là người Việt hưởng lợi gì từ những doanh nghiệp ấy!
"Thời buổi này rồi còn đặt vấn đề "của Việt Nam" hay "người Việt Nam sản xuất" làm gì. Quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam bán sản phẩm ấy được nhiều lợi nhuận, nộp thuế nhiều cho ngân sách. Sau đó ngân sách dùng tiền ấy xây dựng nhiều trường học, bệnh viện, đường xá để người dân cùng hưởng. Thế là được, phức tạp làm gì", CEO Clingme khẳng định.
Bphone và VinFast đều là sản phẩm của hai doanh nghiệp Việt. Năm 2015, Bphone lần đầu ra mắt, nhưng liên tục nhận "gạch đá", CEO Nguyễn Tử Quảng thậm chí bị gắn biệt danh "nổ". Đến năm 2018, dù chưa chính thức trình làng phiên bản thương mại, VinFast vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận.
Xét trên một khía cạnh nào đó, Bphone và VinFast đều có điểm giống nhau. Bphone dùng linh kiện của Nhật, Mỹ, Châu Âu để đưa vào sản phẩm của mình, còn VinFast cũng hợp tác với các hãng sản xuất của Đức, Ý để tạo ra những chiếc xe mang chất lượng quốc tế.
Tại sao cùng là sản phẩm công nghệ do Việt Nam sản xuất, cùng ra mắt lần đầu, trong khi VinFast được nhiều người coi là niềm tự hào dân tộc thì Bphone lại nhận nhiều đánh giá thiếu thiện cảm? Hay nếu là thương hiệu Việt thì "chất Việt" của mỗi sản phẩm này nằm ở đâu?
Đây đều là những góc nhìn được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hải Quang, CEO Clingme, đã chia sẻ một góc nhìn đặc biệt khác.
Anh cho biết: "Bphone bị ném đá, VinFast được ủng hộ. Tôi không bàn đến điều này vì câu chuyện trên truyền thông có nhiều yếu tố ảnh hưởng: Yếu tố về năng lực làm truyền thông, nguồn lực đầu tư cho truyền thông.
Đây mới là câu chuyện tôi muốn nói: Bphone của Việt Nam hay không của Việt Nam; VinFast của Việt Nam hay không không quan trọng. Quan trọng là 1 cái Bphone bán ra thì Bkav thu được bao nhiêu. Ví dụ với 100 USD mà Bkav chỉ thu được 1 USD thì không ăn thua, nhưng nếu Bkav thu được 50-70 USD thì lại khác. Còn kể cả đấy là cái điện thoại do người Trung Quốc nghĩ ra, người Trung Quốc sản xuất, người Trung Quốc phân phối…cũng thoải mái, chả vấn đề gì", anh Trần Hải Quang nhấn mạnh.
"Tương tự xe VinFast bán ra, quan trọng là Vingroup thu được bao nhiêu lợi nhuận từ con xe ấy".
Lấy ví dụ để so sánh, CEO Clingme cho biết, Việt Nam là công xưởng sản xuất lớn nhất của Nike, lớn hơn cả Trung Quốc, nhưng giá trị người Việt Nam thu về từ những sản phẩm ấy không được bao nhiêu. Hay như Samsung, tỷ lệ điện thoại sản xuất tại Việt Nam cũng lớn nhất, nhưng người Việt Nam thu được bao nhiêu từ những chiếc điện thoại bán ra. "Liệu có được 1%?" - anh Quang chất vấn.
"Thời buổi này rồi còn đặt vấn đề "của Việt Nam" hay "người Việt Nam sản xuất" làm gì. Quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam bán sản phẩm ấy được nhiều lợi nhuận, nộp thuế nhiều cho ngân sách. Sau đó ngân sách dùng tiền ấy xây dựng nhiều trường học, bệnh viện, đường xá,... để người dân cùng hưởng. Thế là được, phức tạp làm gì".
Dưới góc nhìn của anh Trần Hải Quang, câu chuyện không nên tập trung xem ai hô hào hàng Việt hay không hàng Việt, hay doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài, mà quan trọng là công dân Việt Nam, được hưởng lợi gì từ những doanh nghiệp ấy.
"Ví dụ người nước ngoài đến Việt Nam thành lập thành lập công ty, đóng thuế cho ngân sách Việt Nam, vẫn tốt hơn một người Việt Nam sang Mỹ, lập công ty làm giàu bên Mỹ, tiền kiếm được không đóng góp gì vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam. Dù người này gốc Việt hay thành công đến đâu thì họ với Việt Nam cũng không liên quan lắm", anh Quang nhấn mạnh.
Quay trở lại câu chuyện Bphone và VinFast, CEO Clingme cho biết thời điểm này rất khó định nghĩa và cũng không có khái niệm rõ ràng để định nghĩa thế nào là "hàng Việt". Bphone hay VinFast cứ tiếp tục sản xuất các phiên bản sau này, cuối cùng thành công và thu về nhiều lợi nhuận là được.