CEO Clingme phản pháo Shark Phú: "Dở hơi" mới khởi nghiệp một mình, chuyện "thành cũng tan mà bại cũng tan" thì ở đâu chả có! Chẳng ai khởi nghiệp một mình mà rực rỡ cả!
Trước ý kiến của Shark Phú cho rằng đa phần người Việt làm chung với nhau, thành cũng tan mà bại cũng tạn, CEO Clingme nhận định chuyện tan hay hợp là chuyện bình thường, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nơi khác cũng thế.
Về Việt Nam năm 2009 sau khi hoàn thành tấm bằng MBA tại Mỹ, Trần Hải Quang quyết định khởi nghiệp với ý tưởng Moex (xe ôm viết ngược) - dịch vụ giao nhận hàng bằng xe ôm. Tuy nhiên chỉ đến Clingme - ứng dụng di động giúp khách hàng vừa tìm địa điểm ăn uống, mua sắm; vừa nhận lại một phần tiền (cashback) sau mỗi lần thanh toán, Trần Hải Quang mới bước đầu gặt hái quả ngọt. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Clingme đã gọi vốn thành công tổng cộng 3 triệu USD đồng thời được nhiều khách hàng biết đến sau chiến dịch marketing đặc biệt với hastag #đừng_vứt_hóa_đơn.
Trao đổi với chúng tôi, CEO Trần Hải Quang đã có nhiều góc nhìn liên quan đến khởi nghiệp, vấn đề tưởng cũ nhưng qua con mắt của anh lại cho thấy nhiều điều đáng để suy nghĩ.
Không có tuổi khởi nghiệp phù hợp, quan trọng là ý tưởng kinh doanh tốt hay không
Sinh năm 1981 nên khi bắt đầu khởi nghiệp, Trần Hải Quang đã khoảng gần 30 tuổi. Anh đánh giá 30 là tuổi khá đẹp để khởi nghiệp vì khi đó người ta đã qua cái bồng bột của tuổi trẻ nhưng vẫn còn sự mạnh mẽ và hào hứng để bắt đầu.
"30 là tuổi hoàn hảo để làm startup, vừa có sức trẻ, vừa có sự chín muồi, nhưng nó cũng nghiệt ngã vì chỉ có 10 năm thôi", CEO Clingme cho biết.
"Startup không có tuổi vật lý, mà có tuổi về tâm lý, tuổi về trình độ và trải nghiệm".
Dù nhìn nhận tuổi 30 là tuổi đẹp với một người startup nói chung, nhưng Trần Hải Quang khẳng định thời điểm thích hợp để khởi nghiệp không liên quan nhiều đến tuổi tác.
"Có người startup từ tuổi 20 đã thành công nhưng có người startup ở tuổi 50 vẫn thành công. Startup không có tuổi vật lý, mà có tuổi về tâm lý, tuổi về trình độ và trải nghiệm".
Dưới góc nhìn của CEO Clingme, chuyện khởi nghiệp không liên quan đến vấn đề tuổi tác, cũng không liên quan đến chuyện nên đi làm trước rồi mới khởi nghiệp hay khởi nghiệp luôn,... Anh lấy ví dụ có những trường hợp khởi nghiệp thành công khi chưa học xong đại học, thậm chí còn chưa đi làm bất cứ chỗ nào như Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook.
‘Chúng ta không nên đặt vấn đề khởi nghiệp khi nào? Khi đã đi làm hay đã có "n" tuổi: Hãy khởi nghiệp khi bản thân bạn cảm thấy sẵn sàng để làm leader (lãnh đạo, PV) và quan trọng hơn là bạn nhìn thấy một cơ hội kinh doanh thực sự. Đấy mới là yếu tố quyết định thành công".
"Khi nhìn thấy cơ hội, bạn 16 tuổi hay 90 tuổi không còn quan trọng nữa. Cơ hội chính xác đến bao nhiêu mới quan trọng. Và sau đấy là bạn có đủ trình độ trong vòng 3-6 tháng để đánh giá một cách khách quan về cơ hội này hay không? Chuyện ấy quan trọng hơn", anh Trần Hải Quang đặt vấn đề.
Chỉ "dở hơi" mới khởi nghiệp một mình, còn chuyện tan-hợp ở đâu chả có!
Theo CEO Clingme, ngay khi phát hiện cơ hội kinh doanh, việc đầu tiên một cá nhân nên làm là gặp gỡ những người gần gũi và có hiểu biết về kinh doanh để cùng chia sẻ, đánh giá về ý tưởng thay vì giữ khư khư trong người. Đến khi xác định được tính khả thi của ý tưởng thì nhà sáng lập mới đi đến vòng tiếp theo: "đầu tư thời gian, tiền bạc và quan trọng hơn là kiếm được ai đó lạ hoắc mà người ta đưa tiền cho mình".
"Sau những quá trình này, startup nên xem xét mình cần gì và đồng đội là ai. Không tìm được người làm cùng thì nghỉ đi, startup gì mà startup lại làm một mình", Trần Hải Quang thẳng thắn khẳng định.
Trước câu nói khá nổi tiếng của Shark Phú về vấn đề làm chung của người Việt, "đa phần thành cũng tan mà bại cũng tan", CEO Cling me nhận định đó có thể là những người Shark Phú đã biết, "còn đầy người Việt anh Phú có biết đâu".
"Chuyện tan hay hợp là chuyện bình thường ở đâu chả thế", anh thừa nhận.
Trần Hải Quang kể lại thời kỳ còn học ở Mỹ, anh có ở chung với 2 người bạn Ấn Độ. Hai người bạn này thường than rằng chỉ người Do Thái mới đùm bọc nhau, còn người Ấn Độ cứ soi mói, kèn cựa nhau. Đến sinh viên Việt Nam, lại thấy than rằng "hội Ấn Độ đi đâu cũng có nhau, còn người Việt mình suốt ngày soi nhau".
"Tâm lý vậy là sai. Ở đâu cũng có người này người kia. Việt Nam thiếu gì trường hợp thành công mà đi với nhau bền vững, đầy chứ".
"Còn đương nhiên ông nào làm một mình thì ông ấy dở hơi và không thành công lớn, vì trình độ kỹ năng một người sao làm hết mọi thứ được. Chẳng ai khởi nghiệp một mình mà rực rỡ cả, không có đâu", CEO Clingme kết luận.