Bphone 1 chán "không thể tin nổi", Bphone 2 chất vừa nhưng “chát" nhiều hơn, Bphone 3 chất và giá không còn “chát”: Khi chưa trải nghiệm, đừng vội quy kết CEO Nguyễn Tử Quảng lại “nổ”
Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, so với hai phiên bản trước đây, Bphone 3 được đính giá ở mức hợp lý hơn và phần trình bày tại lễ ra mắt của CEO Nguyễn Tử Quảng cũng tiết chế nhiều hơn. Có công bằng không nếu chưa trải nghiệm sản phẩm, chúng ta vẫn tiếp tục ném đá Bphone 3 vì những lý do trong quá khứ?
Ngày 10/10, CEO Nguyễn Tử Quảng của Bkav cho ra mắt thế hệ Bphone 3 tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Không ít người người nghĩ anh sẽ lại "nổ", lại là những sản phẩm chất lượng tầm trung và giá thành tầm cao. Nhưng không, Bphone 3 khiến những người tham dự, thậm chí cả cộng đồng Bfan ngỡ ngàng, khi khác với 2 người anh em tiền nhiệm, sản phẩm có chất lượng cao cấp nhưng mức giá tầm trung.
Trước hết, hãy nhìn vào giá thành Bphone 1 và Bphone 2. Năm 2015, Bphone lần đầu tiên trình làng. Ở phiên này, một số chuyên gia đánh giá, máy chỉ được khoảng 6/10 điểm với khá nhiều lỗi lầm như thường xuyên bị nóng, giật, pin kém, camera lấy nét chậm, ảnh mờ mịt, ảnh xuất hiện nhiễu…
Dĩ nhiên với phiên bản đầu tiên, Bkav không thể tránh khỏi thiếu sót nhưng vấn đề đáng nói là mức giá bị đẩy lên quá cao so với chất lượng: Gần 11 triệu đồng cho một thiết bị di động tầm trung, lại chưa hề có thương hiệu. Trong khi 3 năm trước đây, với số tiền này, khách hàng hoàn toàn có những lựa chọn tốt hơn đến từ Sony, Samsung hay thậm chí Apple. Chất lượng thấp, giá thành cao, Bphone 1 bị ném đá là điều dễ hiểu.
Bphone 2 (bên trái) và Bphone 1 (bên phải)
Sang đến phiên bản số 2, rút kinh nghiệm từ lần đầu, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Nhiều người dùng phản hồi rằng máy hoạt động mượt, wifi tốt, các lỗi nóng máy hay pin kém đã được nhà sản xuất lắng nghe và khắc phục. Nhưng chỉ chất lượng thôi vẫn chưa đủ. Một thiết bị được hô hào là của người Việt, làm cho người Việt mà mức giá thật "người Mỹ", lên tới gần 10 triệu đồng, thì đại bộ phận người Việt với thu nhập trung bình sẽ chẳng bao giờ chạm đến được.
Vậy nên sau 2 phiên bản đầu tiên, mấu chốt mà đội ngũ Bphone cần chú trọng chính là những sản phẩm có khoảng giá tầm trung nhưng chất lượng ổn định. Nếu Bphone 3 vẫn duy trì chất lượng tốt như Bphone 2 và có mức giá hướng tới đại chúng, sản phẩm "made in Việt Nam" của Bkav chắc chắn sẽ được ủng hộ.
Nhưng thực tế thì sao? Bphone 3 khiến nhiều người bất ngờ khi không chỉ làm tốt ở khâu định giá mà còn tối ưu hóa mặt chất lượng. Một chiếc smartphone phân khúc tầm trung (6,99 triệu đồng) nhưng được trang bị những tính năng của phân khúc cao cấp như màn hình tràn đáy, có thể sử dụng dưới nước trong vòng 30 phút, camera xóa phông, bảo mật tuyệt đối ngay cả khi bị reset,…
Bkav cũng thông minh hơn trong việc định giá khi ở Bphone 3: Ngoài bản tầm trung giá 6,99 triệu đồng, vẫn còn một bản nữa với tên gọi Bphone 3 Pro, giá 9,99 triệu đồng. Chiến lược này giúp Bkav tăng khả năng "đưa Bphone 3 đến cửa từng nhà" nhưng không đi quá xa định vị phân khúc cao cấp.
Về tài "nổ" của CEO Nguyễn Tử Quảng, so với những màn ra mắt trước đây, lần này anh đã tiết chế hơn rất nhiều. Trong thời lượng khoảng 1 tiếng đồng hồ, dù vẫn đôi lần ngợi khen sản phẩm của mình là "đặc biệt", là "chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới có thiết kế tràn đáy" hay "tính năng bảo mật hàng đầu, chưa một chiếc điện thoại nào làm được",… nhưng phần trình bày của Bkav đã tập trung làm rõ tính năng chi tiết sản phẩm. Những cụm từ quá "lố", thần thánh hóa Bphone đã không còn xuất hiện với tần suất dày đặc như "cơm bữa".
Nếu các dòng Bphone trước đây bị ném đá vì 2 lý do: sai lầm khi định giá và làm quá khi quảng bá thì với Bphone 3, cả 2 vấn đề đều đã được giải quyết khá tốt.
Nhiều người nói CEO Nguyễn Tử Quảng vẫn còn "nổ" nhưng nếu chất lượng Bphone 3 thật sự tương ứng với những gì anh đang "nổ" thì sao. Khi chưa thật sự trải nghiệm sản phẩm, đừng vội "ném đá" vào công sức của 1.500 con người, bởi khi đó, mọi kết luận chỉ là "tát nước theo mưa" hay "ném đá hội đồng".
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.