Giới trẻ Nhật "chê" môn đánh golf, các doanh nghiệp lớn phải xoay xở làm khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chơi golf để lôi kéo khách du lịch
Số lượng người chơi golf ở Nhật Bản giảm mạnh từ 14,8 triệu người (1992) xuống còn không đầy 6,7 triệu người (2018). Kinh doanh thua lỗ cũng khiến số lượng sân golf ở Nhật Bản giảm từ 2460 (2002) còn 2257 (2017), theo thống kê của Japan Producitivy Center. Nhưng ngành du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf đã ra đời sẽ là cứu tinh cho sân golf xứ sở hoa anh đào.
Các doanh nghiệp cải tạo sân golf thành dịch vụ bất động sản đa năng
Đa phần người chơi golf ở Nhật thuộc thế hệ thập niên 1960s và 1970s. Giới trẻ Nhật Bản không còn mặn mà với môn thể thao quý tộc này. Sự thăng trầm của thị trường đã ảnh hưởng đến dòng chảy vốn đầu tư vào ngành golf và nghỉ dưỡng trượt tuyết.
Rất nhiều sân golf tư nhân và nghỉ dưỡng (yêu cầu phí duy trì thành viên) đã đóng cửa hoặc chuyển thành sân golf công cộng. Nhưng nhiều doanh nghiệp nhận ra xu thế mới kết hợp du lịch và chơi golf.
Cách xa ngôi làng Rusutsu về phía Nam, một nhóm công nhân đang tất bật xây dựng khu chung cư cao cấp Vale Rusutsu.
Khi khai trương vào tháng 12 năm 2020, khu phức hợp 10 tầng Vale Rusutsu sẽ có 156 căn hộ với mức giá từ 656.000 USD/căn hộ 1 phòng ngủ và khoảng 5,2 triệu USD/căn hộ penthouse xa hoa.
Khu căn hộ này do công ty Kamori Kako có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) đầu tư. Mặc dù tọa lạc ở phần phía bắc đảo chính Hokkaido – nơi ít người sinh sống và thu nhập bình quân kém hơn so với phía nam, Vale Rusutsu đã thu hút được khá đông khách hàng. Công ty cho biết họ đã bán được 83 căn hộ và phần lớn khách hàng của họ là những người đam mê chơi golf và trượt tuyết.
Ngoài Kamori Kanko, một dự án khu nghỉ dưỡng trượt tuyết mới nổi khác tên Niseko đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, do công ty phát triển bất động sản ở Hồng Kông Riverhill Development sở hữu.
Riverhill Development cũng mua khu đất nằm trong khu nghỉ mát sân golf tại khu vực Iz Izum. Họ xây dựng các căn nhà gỗ 4 phòng ngủ rộng từ 300 đến 400 mét vuông. Mỗi căn nhà gỗ sẽ có sân rộng rãi để nướng thịt, hệ thống sưởi ấm âm tường và ốp gỗ tuyết tùng. Giá rao bán của mỗi căn nhà là hơn 2,5 triệu USD.
Ở phía bên kia của núi Niseko-Annupuri, một trong những điểm trượt tuyết nổi tiếng nhất Nhật Bản, nhà đầu tư của Sân golf Hanazono 18 lỗ đã cải tạo khu nghỉ dưỡng và xây thêm một nhà hàng kiểu Địa Trung Hải.
Công ty sở hữu Hanazono là Nihon Harmony Resorts hy vọng sẽ thu hút người chơi golf từ nước ngoài và cả những người lưu trú tại Park Hyatt Niseko Hanazono nằm dưới chân đồi trượt tuyết Hanazono Niseko.
Nhật Bản vẫn khuyến khích phát triển ngành kinh doanh liên quan đến môn thể thao quý tộc
Hiện nay Nhật Bản vẫn là thuộc top các quốc gia chơi golf trên thế giới xét về cơ sở vật chất (sau Hoa Kỳ và Canada). Họ có nhiều sân golf chất lượng cao đứng nhất nhì thế giới.
Trong danh sách 100 sân golf tốt nhất thế giới năm 2018, hãng thống kê Golf Digest đã liệt kê bốn sân golf ở Nhật gồm: Câu lạc bộ golf Naruo và Hirono ở tỉnh Hyogo, Câu lạc bộ đồng quê Kasumigaseki ở phía đông tỉnh Saitama và sân golf Fuji của Kawana Hotel ở tỉnh Shizuoka.
Chơi golf ở Nhật Bản không đắt đỏ lắm. Người chơi thường chi khoảng 94 USD cho một vòng 18 lỗ, bữa trưa và xe di chuyển trong sân.
Những năm gần đây Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào những giải đấu golf để khuyến khích mọi người chơi golf và thúc đẩy ngành kinh doanh sân golf phát triển. Ngoài các giải đấu trên Japan Golf Tour, họ sẽ đưa golf thành môn thể thao chính thức tại Thế vận hội Tokyo vào năm 2020.
Một số sân golf đang cố gắng đón đầu làn sóng du lịch và đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt thu hút người chơi golf từ Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, Nhật đã đón 30 triệu lượt khách du lịch vào năm ngoái, tăng vọt so với mức 8,6 triệu trong năm 2010. Hầu hết khách du lịch đến từ các quốc gia châu Á khác. Việc phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf có lẽ là lựa chọn chính sách hợp lý ở thời điểm hiện tại.