Ông chủ Cocobay kể chuyện vết thương 15 năm mới liền sẹo: Nếu không vì CEO ham mê đánh golf, có lẽ giờ Nikko đã là thương hiệu điện tử hàng đầu Việt Nam
Bài học của một DN điện tử có số có má tại Việt Nam, từng lên kế hoạch IPO, nhưng sau giải thể chỉ vì CEO trẻ tuổi mải chơi... golf.
Ít ai biết ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire Group, đơn vị đứng sau chuỗi dự án Cocobay Đà Nẵng hiện nay, cũng chính là Chủ tịch của Nikko Việt Nam 15 năm trước.
Thời kỳ đó, nhắc đến Nikko là nhắc đến công ty sản xuất điện tử hàng đầu Việt Nam với sản phẩm chủ đạo là điều hòa nhiệt độ. Nhờ định hướng liên kết với Nikko Nhật Bản theo phương thức mua bản quyền thương hiệu, chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia Nhật Bản sang hướng dẫn, đào tạo công nhân Việt Nam, những năm 2000, Nikko Việt Nam đã tự cho ra đời những chiếc điều hòa chất lượng ngang hàng ngoại nhập mà giá cả lại phải chăng.
Thậm chí, thương hiệu này còn có chiến lược vượt trội so với các đối thủ ngoại khi không chỉ tập trung đánh những thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM mà còn tiến về các tỉnh để xây dựng mạng lưới đại lý, văn phòng đại diện và phân phối sản phẩm. Kết quả là doanh số bán sản phẩm liên tục tăng cao, có năm lên tới 200%. Tháng 5/2007, Nikko Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa để sẵn sàng niêm yết trên sàn chứng khoán vào đầu năm sau đó.
Tuy nhiên giữa đà thắng thế thì Nikko bất ngờ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và lặng lẽ biến mất trên thị trường. Nguyên nhân sau này được cựu chủ tịch Nikko tiết lộ xuất phát từ Tổng giám đốc Đậu Mạnh Hùng, người từng có công phá thế độc quyền của các thương hiệu ngoại trong mảng điều hòa nhiệt độ, nhưng cũng chính là người đẩy Nikko sang tình thế bi kịch.
"Thực sự nỗi đau này đã 15 năm rồi. Đến giờ tôi đã có thể nói ra tất cả câu chuyện", cựu chủ tịch Nikko tâm sự tại tọa đàm "Bài học thương trường - Nỗi đau không dễ sẻ chia" do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức gần đây.
Thực sự nỗi đau này đã 15 năm rồi. Đến giờ tôi đã có thể nói ra tất cả câu chuyện
Ông Thành kể giữa lúc thương hiệu đang ở đỉnh cao, hệ thống phân phối đại lý ổn định, dòng tiền rất tốt thì Tổng giám đốc Hùng sa đà vào thú chơi golf mà bỏ bê công việc. Ban đầu chỉ là 1 tuần 1 buổi vào ngày nghỉ, sau đó nâng lên thành 3 buổi/tuần, 5 buổi/tuần rồi cả tuần chỉ dành để chơi golf. Lời hứa "Em sẽ hoàn thành công việc, không sao" cuối cùng không hề có thật.
"Câu chuyện khi ấy bắt đầu xảy ra. Thương hiệu không bán được hàng. Hàng giao đi bị đại lý trả về rất nhiều vì không có người kiểm soát về chất lượng sản phẩm".
"Đặc biệt dòng tiền của công ty chết luôn. Chết vì 2 lý do: một là hàng không bán được, hai là toàn bộ hệ thống phân phối không có người kiểm soát. Họ đi thu tiền của đại lý xong, có người nộp nhưng cũng có người không nộp về công ty, hàng mấy chục tỷ", ông Thành nhớ lại.
Đến lúc Hội động quản trị (HĐQT) của Nikko phát hiện ra vấn đề thì đã có những người cầm tới 3 tỷ, 5 tỷ thậm chí cả chục tỷ nhưng không trả vào quỹ công ty. Một thành viên trong HĐQT đề xuất ý kiến "bắt đi tù hết" nhưng những người còn lại nghĩ rằng "đi tù một lúc 8-9 người thế này… thì thôi".
"Vậy là vỡ công ty rồi. Biến mất thương hiệu Nikko trên thương trường. Tôi nghĩ nếu thời đó duy trì khoảng 2-3 năm nữa thì bây giờ Nikko có thể sẽ thành một hương hiệu hàng đầu rồi đấy", cựu chủ tịch Nikko chia sẻ đầy tiếc nuối.
Từ câu chuyện người đứng đầu vì chơi golf nên việc kiểm soát công ty bị ảnh hưởng, ông Thành khuyên các doanh nhân trẻ cần cảnh giác để không rơi vào trường hợp tương tự. Bởi theo ông, với những người đã có chỗ đứng trên thương trường, xây dựng hệ thống vững chãi, việc có thú vui riêng sẽ không tác động nhiều nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, lãnh đạo còn trẻ, còn nhiều việc phải làm thì đây lại là câu chuyện khác.
"Tôi thấy nhiều bạn cũng chơi golf, dĩ nhiên các bạn đang làm rất tốt nhưng nếu là người điều hành trực tiếp, cần cảnh giác chuyện đó", cựu chủ tịch Nikko nhắn nhủ.