Giặt quần áo xong nên mở hay đóng cửa máy giặt?
Đây là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi bởi mở cửa máy giặt thì bụi bẩn có thể bay vào, còn đóng chặt thì hơi nước không thể bay hơi, ảnh hưởng tới tuổi thọ của máy.
Máy giặt là thiết bị cần thiết trong mỗi gia đình, giúp giải phóng sức lao động con người. Tuy nhiên, sau khi lấy quần áo ra khỏi máy giặt, nhiều người lại băn khoăn về thao tác tiếp theo. Một số đóng lại luôn để tránh bụi bẩn lọt vào, số khác lại luôn mở cửa máy giặt, đón nắng gió nhằm tránh ẩm mốc. Vậy đâu mới là cách làm chính xác?
Theo trang Lifesavvy, máy giặt lồng đứng không có màng che và hầu như nước cũng không bị văng ra ngoài do thiết kế lồng giặt đứng. Hơn nữa, hơi nước vẫn có thể bốc ra ngoài từ lồng giặt dễ dàng nên độ ẩm bên trong buồng giặt không bao giờ đủ lớn để gây ra các vấn đề nấm mốc. Việc để mở nắp hoặc đóng lại với máy giặt lồng đứng chẳng phải là vấn đề gì to tát.
Nhưng máy giặt cửa trước thì hoàn toàn ngược lại. Đây là loại máy có màng che và lớp lót cao su chắc chắn. Lớp lót cao su của cửa máy giặt đóng vai trò giúp nước trong buồng giặt không bị tràn ra ngoài. Môi trường máy giặt lồng ngang vốn đã kín nay càng kín hơn vì lớp lót cao su của máy giặt sẽ chặn không cho không khí lưu thông. Đây là môi trường hoàn hảo cho nấm mốc phát triển và gây hại cho sức khỏe của bạn. Chưa kể quần áo sẽ có mùi hôi do nấm mốc trong lồng giặt.
Trên thực tế, đây là một vấn đề không lớn nhưng trong nhiều năm qua, đã có nhiều khách hàng kiện các nhà sản xuất về việc máy giặt làm quần áo dễ bị mốc.
Lời khuyên ở đây là, ngay sau khi sử dụng hãy dùng khăn sạch có tính thấm nước tốt, nhanh chóng lau khô thùng bên trong máy giặt, đặc biệt ở màng bao và lót cao su của máy giặt lồng ngang.
Sau khi lau khô, mở cửa máy giặt để thông gió hai tiếng trước khi đóng lại. Bằng cách này, nước còn lại bên trong sẽ bay hơi, do đó có thể ngăn ngừa nấm mốc.
Tại sao không mở cửa máy giặt nhiều thời gian hơn? Lý do là do bụi bẩn bên ngoài sẽ lọt vào. Ngoài ra, khi mở càng lâu, lực tác động lên điểm kết nối giữa cửa và máy giặt càng lớn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy.
Với những gia đình có không gian chật hẹp, nếu mở hết cỡ cửa máy giặt sẽ khó khăn trong việc di chuyển. Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách mở hé vừa đủ cho không khí lưu thông.
Một số nghiên cứu đã chứng minh máy giặt sử dụng trong ba tháng sẽ xuất hiện vi khuẩn cứng đầu. Nếu mở máy giặt ngửi thấy mùi khó chịu, có nghĩa đã đến lúc bạn nên làm sạch máy. Bằng không vi khuẩn sẽ bám vào quần áo, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Hướng dẫn sử dụng máy giặt đúng cách:
- Nên dùng bột giặt chuyên dụng cho máy giặt: Không phải loại bột giặt nào cũng thích hợp với máy giặt, nhất là loại lồng ngang. Chất tẩy rửa thông thường sẽ cho nhiều bọt xà phòng, và theo thời gian, chúng có thể mang đến một lớp màng trong lồng giặt cũng như trong các ống nước. Điều này sẽ khiến cho cho nấm mốc có cơ hội sinh sôi, thậm chí có thể gây hại cho máy móc hoặc các bảng mạch điện tử.
- Chọn tốc độ quay vắt thích hợp: Tốc độ quay thích hợp với lượng quần áo sẽ giúp máy vận hành êm hơn và bền hơn.
- Nên lấy quần áo ra ngay khi giặt xong: Quần áo ẩm ướt để lâu trong máy sẽ mang đến môi trường lý tưởng nấm mốc và mùi hôi phát triển.
- Vệ sinh gioăng cao su của máy giặt thường xuyên: Làm sạch phần gioăng cao su của máy giặt bằng dung dịch nước và giấm (tỷ lệ 1:1) để hạn chế nấm mốc, mùi hôi hay bụi bẩn.
- Vệ sinh máy định kỳ hàng tháng: Hãy đổ một ít giấm ăn thay vì bột giặt vào hộp chứa bột giặt, và thêm một cốc soda baking trực tiếp vào lồng giặt, nó sẽ giúp trung hòa độ pH và giúp chà xát lồng giặt. Sau đó, để máy hoạt động vệ sinh lồng giặt.
Nguồn: Lifesavvy; Aboluowang