Bác sỹ khoa cấp cứu: Nếu bị đỏ mặt khi uống rượu, rất có thể bạn đang bị đột biến Gen

27/08/2022 18:54 PM | Sống

Nếu mặt bạn đỏ lên sau khi uống một vài ly rượu, bạn không hề đơn độc vì có tới 70% người Đông Á gặp phải tình trạng trên.

Theo ThS.BS Vũ Hoàng Huy - Bác sĩ Cấp Cứu, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, khi chúng ta uống rượu, cơ thể chúng ta sử dụng gan để phân hủy và chuyển hóa chất cồn. Trong khi làm điều đó, nó tạo ra một chất độc gọi là acetaldehyde, chất này tiếp tục bị phân hủy thành axit axetic không độc. Axit axetic cuối cùng bị phân hủy thành carbon dioxide và nước.

Những người đỏ mặt khi uống rượu có thể do lỗi (hay đột biến) của gen aldehyde dehydrogenase (ALDH) gây thiếu hụt enzyme này. ALDH là một loại enzym trong cơ thể bạn giúp phân hủy một chất có trong rượu gọi là acetaldehyde.

Các nhà khoa học ước tính rằng có ít nhất khoảng 8 phần trăm dân số trên toàn thế giới bị thiếu ALDH. Trong đó, có ít nhất từ 36% đến 70% người Đông Á bị đỏ mặt do phản ứng của việc uống rượu. Những người gốc Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có nhiều khả năng bị phản ứng này hơn. Vì vậy, hiện tượng này thường được gọi là "Đỏ mặt châu Á" hay "Chứng đỏ bừng mặt châu Á".

Bác sỹ khoa cấp cứu: Nếu bị đỏ mặt khi uống rượu, rất có thể bạn đang bị đột biến Gen - Ảnh 1.

Phần lớn người châu Á bị đỏ mặt sau khi uống rượu

Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người gốc Do Thái cũng có nhiều khả năng bị đột biến ALDH. Người ta không biết tại sao một số quần thể nhất định có nhiều khả năng gặp vấn đề này hơn, nhưng nó có tính chất di truyền và có thể được di truyền bởi một hoặc cả hai bố mẹ.

Các chuyên gia cho biết các đột biến di truyền trong cơ thể là vĩnh viễn, không thể điều trị. Cách hiệu quả nhất là lắng nghe cơ thể và ngừng uống rượu khi cảm thấy khó chịu.

Tình trạng đỏ mặt khi uống rượu còn báo hiệu nhiều loại bệnh lý khác. Các nghiên cứu cho thấy, người bị đỏ mặt có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm họng, cổ họng và miệng do thiếu hụt enzyme ALDH2. Tiến sĩ Daryl Davies, đồng giám đốc của Viện Khoa học Nghiện tại Đại học Nam California, cảnh báo sử dụng thuốc ức chế histamine như Pepcid để giảm tác động của cồn có thể khiến một người uống nhiều rượu hơn, tăng tỷ lệ mắc ung thư.

"Cơ thể bạn đưa ra tín hiệu. Cực kỳ sai lầm khi dùng những chất ức chế histamine như Pepcid, vì bạn chỉ đang che đậy phản ứng của bản thân. Các chất này không tác dụng với enzyme. Giờ thì độc tố của rượu lưu lại trong cơ thể thời gian dài hơn, còn bạn thì lờ đi những phản ứng tự nhiên báo hiệu mình cần ngừng uống", tiến sĩ Davies cho biết.

Vì vậy, cách duy nhất để tránh đỏ mặt khi uống rượu là tránh hoặc hạn chế uống rượu. Nếu bạn uống rượu, hãy cố gắng uống vừa phải. Các định nghĩa uống rượu “vừa phải” là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới.

Bác sỹ khoa cấp cứu: Nếu bị đỏ mặt khi uống rượu, rất có thể bạn đang bị đột biến Gen - Ảnh 2.

Song, trên thực tế việc từ chối một hoặc hai ly rượu không dễ như tưởng tượng, đặc biệt tại các buổi tiệc có tính chất công việc. Những người lớn lên ở châu Á hiểu được áp lực và sự mệt mỏi khi phải uống rượu liên tục trong những dịp tụ họp.

Lei Yu, giáo sư Đại học Rutgers, giảng viên khoa di truyền học tại Trung tâm Nghiên cứu Sử dụng Rượu và Chất gây nghiện, cho rằng nhiều người sẽ thông cảm hơn nếu họ hiểu rằng không dung nạp rượu là một tình trạng sức khỏe.

"Vấn đề nằm ở nhận thức. Người không dung nạp rượu cũng giống với người không dung nạp lactose (không uống được sữa). Không có gì phải xấu hổ hay đáng bị kỳ thị", ông nói.

9 dấu hiệu sức khỏe cảnh báo bạn đang ăn uống quá mức nghèo nàn, phải bổ sung dinh dưỡng ngay lập tức

Cùng chuyên mục
XEM