Khoe ảnh mặc đồ bơi lên Instagram từ thời chưa đi dạy học, nữ giảng viên vẫn bị nhà trường đuổi việc
Trước động thái cho thôi việc nữ giảng viên của trường St. Xavier đã khiến cộng đồng sinh viên bức xúc, các phong trào chống lại quyết định của hội đồng kỷ luật đã được nổ ra.
Mới đây, câu chuyện trường đại học St. Xavier ở thành phố Kolkata (Ấn Độ) đuổi việc một trợ lý giáo sư vì cô đã chia sẻ những bức ảnh mặc bikini trên Instagram đã gây xôn xao cộng đồng mạng.
Nữ giảng viên 31 tuổi bị nhà trường cáo buộc tội quấy rối tình dục. Trong khi đó, cô cho rằng bản thân đã bị bắt nạt hành hạ và kiểm soát quá đáng về mặt đạo đức.
Theo đó, nữ giảng viên nhận công tác tại trường từ tháng 9/2021. Hai tháng sau, cô bị triệu tập lên phòng hội đồng để giải quyết khiếu nại của một vị phụ huynh.
Ông bắt gặp con trai, vốn là sinh viên năm 1, đang tập trung xem những bức ảnh gợi cảm của nữ trợ lý giáo sư. Ngay lập tức, gia đình báo cáo với nhà trường để giải cứu con mình khỏi hành vi khiêu dâm.
Theo lời nữ trợ lý, cô bị đưa vào phòng thẩm vấn để đối chất với hiệu phó cùng 5 người phụ nữ khác. Một tờ giấy được đưa ra giữa các thành viên trong hội đồng quản trị với 5-6 bức ảnh và cô ấy được yêu cầu xác nhận rằng chúng là của cô ấy.
Hội đồng kỷ luật cho rằng chúng thiếu đứng đắn, có xu hướng dụ dỗ sinh viên.
“Tôi bàng hoàng vì đây là những story, dạng tin chỉ tồn tại trong 24 tiếng đồng hồ trên Instagram. Bên cạnh đó, tôi đã đăng chúng từ tháng 6/2021, tức trước khi nhận việc ở trường. Tôi không dám nhìn vào các bức hình thêm lần nào. Cách họ tấn công khiến tôi tin mình rẻ tiền và đáng thương”, cô nói.
Chưa dừng lại, suốt cuộc họp, cựu trợ lý giáo sư liên tục bị chất vấn bởi những câu hỏi mang tính xúc phạm. "Tôi được hỏi tại sao bạn lại làm như vậy? Là phụ nữ, bạn không nghĩ điều đó là phản cảm sao? Là một giáo sư, không phải nghĩa vụ của bạn đối với xã hội là phải cư xử phù hợp với bản thân sao? Bạn không biết rằng phụ nữ có quy định về trang phục?...
Họ nói với tôi rằng tôi đang mang lại sự miệt thị và xấu hổ cho trường đại học. Tôi được hỏi liệu bố mẹ tôi có ở trên Instagram không và liệu họ có xem những bức ảnh đó không? Tôi cảm thấy buồn nôn và bị tổn thương", cô gái bức xúc chia sẻ.
Với lời khuyên từ nhiều đồng nghiệp, nữ trợ lý đã nhận lỗi về phía mình để xoa dịu ban quản lý nhà trường. "Nếu hình ảnh của tôi bị hiểu theo cách làm hoen ố danh tiếng của trường đại học, thì tôi rất tiếc", cô viết.
Dù vậy, phó hiệu trưởng tuyên bố đã thống nhất cho cô nghỉ việc.
“Ông ấy nói những bức ảnh đã lan truyền rộng rãi. Việc này khiến sinh viên và phụ huynh mất đi sự tôn trọng dành cho giảng viên của trường. Tôi được yêu cầu từ chức, trước khi họ buộc phải đuổi tôi. Hoặc tệ hơn, các gia đình có con theo học tại đây sẽ báo cảnh sát và bắt tôi ngồi tù. Tôi đành chấp nhận yêu cầu vì chẳng thể làm gì hơn”, người phụ nữ 31 tuổi nói với BBC.
Dưới sự ủng hộ của luật sư, cô gửi đơn khiếu nại đến cảnh sát phòng chống tội phạm mạng, khẳng định nhà trường có hành vi quấy rối tình dục khi sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân.
Theo ông Felix Raj, phó hiệu trưởng trường St. Xavier, các cáo buộc chống lại nhà trường là vô căn cứ. Bên cạnh đó, ông cũng từ chối bình luận thêm về nguồn gốc của các bức ảnh vì “không phải chuyên gia công nghệ”.
“Chúng tôi đã nhận thư xin lỗi và trông chờ cô ấy quay lại làm việc. Tuy nhiên, trợ lý giáo sư lại xin từ chức sau đó. Hội đồng đã cư xử đúng đắn chứ không hề có sự thù ghét nào đối với cô ấy”, ông nói thêm.
Ngay sau vụ việc được lan truyền trên mạng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, động thái xử lý của ban giám hiệu nhà trường khiến cộng đồng sinh viên bức xúc. Gaurav Banerjee, cựu sinh viên trường St. Xavier, khởi xướng phong trào chống lại quyết định của hội đồng kỷ luật.
Bản kiến nghị anh gửi đến người đứng đầu ngành giáo dục bang West Bengal cũng nhanh chóng thu về hơn 25.000 chữ ký.
Theo đó, Banerjee yêu cầu nhà trường phải công khai xin lỗi nữ trợ lý giáo sư "vì đã có hành vi kiểm soát đời tư dã man".
Thời gian gần đây, nhiều sinh viên khác đã tổ chức một cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự cảm thông với nữ trợ lý.
Họ mặc đồ đen, đứng im lặng quanh khu vực căn-tin để gây sức ép với hội đồng kỷ luật.
Nữ giảng viên cho biết đang choáng ngợp trước sự ủng hộ từ sinh viên và cộng đồng. Dù không chắc sẽ giành lại quyền lợi, cô vẫn bày tỏ lòng biết ơn đến mọi người.
"Công dân Ấn Độ được quy định về quyền riêng tư và thể hiện cá nhân. Nhà trường không có quyền kiểm soát vô lý đó. Sau nhiều tháng sống trong lo âu, tôi dần lấy lại sự tự tin để khẳng định mình không làm gì trái pháp luật và đạo đức. Đây là cuộc chiến quan trọng, và tôi sẽ theo đuổi đến cùng", người phụ nữ khẳng định.
Nguồn: BBC; Theprint